Công ty cũng cho biết họ sẽ tiến hành rút giấy phép tiếp thị vaccine Vaxzevria ở châu Âu. Vaccine AstraZeneca Vaxzevria, cũng do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất, được bán trên thị trường Ấn Độ với tên gọi Covishield.

Công ty cho biết: “Vì nhiều loại vaccine Covid-19 biến thể đã được phát triển nên có sẵn nhiều loại vaccine cập nhật dư thừa”, đồng thời cho biết thêm rằng điều này đã dẫn đến nhu cầu về Vaxzevria giảm. 

Tờ The Telegraph cho biết đơn xin rút vaccine của công ty này được thực hiện vào ngày 5/3 và có hiệu lực vào ngày 7/5. 

AstraZeneca có trụ sở tại London đã bắt đầu chuyển sang sản xuất vaccine ngừa virus hợp bào hô hấp và thuốc trị béo phì thông qua một số giao dịch vào năm ngoái sau khi tăng trưởng chậm lại do doanh số bán thuốc Covid-19 giảm.

AstraZeneca bắt đầu thu hồi vắc-xin ngừa COVID-19 - Ảnh: REUTERS
AstraZeneca bắt đầu thu hồi vắc-xin ngừa COVID-19 - Ảnh: REUTERS

Đáng chú ý, động thái này diễn ra sau vụ lùm xùm công ty thừa nhận tác dụng phụ gây đông máu của vaccine Covid-19.

Theo đó, truyền thông Anh, bắt đầu là tờ The Telegraph, đưa tin rằng hồi tháng 2, AstraZeneca đã thừa nhận trong hồ sơ toà án rằng vaccine của hãng "trong một số trường hợp rất hiếm, có thể gây ra TTS". TTS được biết là gây ra cục máu đông và số lượng tiểu cầu trong máu thấp.

Lời thừa nhận của AstraZeneca được đưa ra trong bối cảnh gã khổng lồ dược phẩm đang phải đối mặt với một vụ kiện tập thể tại Vương quốc Anh.

Theo đó, tổng cộng có 51 vụ kiện đã được các nạn nhân và gia đình họ đệ trình lên Tòa án Tối cao, cáo buộc vaccine của AstraZeneca, được phát triển cùng với Đại học Oxford, đã gây ra tử vong và thương tích nghiêm trọng trong hàng chục trường hợp.

Tờ The Telegraph đưa tin rằng các nguyên đơn đang yêu cầu khoản bồi thường trị giá khoảng 100 triệu bảng Anh.

Trong thư phản hồi được gửi vào tháng 5/2023, AstraZeneca nói với các luật sư của ông Scott rằng “chúng tôi không chấp nhận rằng TTS là do vaccine ở cấp độ chung gây ra”.

Tuy nhiên, lời thừa nhận của hãng về tác dụng phụ sau những căng thẳng pháp lý kéo dài có thể là "bước ngoặt" để kết thúc tiến trình pháp lý, và công ty sẽ phải trả tiền nếu chấp nhận vaccine là nguyên nhân gây ra bệnh nặng và tử vong trong các trường hợp pháp lý cụ thể.

Theo vietnamfinance.vn