Khu “đất vàng” khoảng 10ha nằm tại mặt đường Trần Phú, phường Lam Sơn (Bỉm Sơn, Thanh Hoá) là trụ sở cũ của Nhà máy gạch Ba Lan (thuộc Công ty CP Bỉm Sơn Viglacera).
Khu “đất vàng” khoảng 10ha nằm tại mặt đường Trần Phú, phường Lam Sơn (Bỉm Sơn, Thanh Hoá) là trụ sở cũ của Nhà máy gạch Ba Lan (thuộc Công ty CP Bỉm Sơn Viglacera). Doanh nghiệp này được cấp giấy phép hoạt động từ tháng 10/2004, người đại diện pháp luật là ông Hoàng Minh Chính.
Sau khi được cấp phép, Công ty CP Bỉm Sơn Viglacera hoạt động sản xuất, kinh doanh tại lô đất này từ năm 2004 đến năm 2017. Đến khoảng giữa năm 2017, Nhà máy gạch Ba Lan di dời ra khỏi nội đô thị xã Bỉm Sơn theo Quyết định số 3503/QĐ-UBND ngày 18/9/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Sau khi di dời, dự án Nhà máy sản xuất gạch Tuynel Ba Lan có công suất sản xuất 35 triệu viên gạch mỗi năm, được xây dựng trên diện tích khoảng 70.000 mét vuông. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 82,5 tỷ đồng, từ nguồn vốn tự có của Công ty Viglacera và vốn vay khác. Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công vào quý 4/2017 và đi vào hoạt động quý 1/2019.
Hàng loạt nhà xưởng, công trình phụ trợ của Nhà máy sản xuất gạch Tuynel Ba Lan (cũ) vẫn “án ngữ” tại đây.
Theo dư luận nơi đây nhận định, thị xã Bỉm Sơn đã được công nhận là Đô thị loại 3 theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng từ năm 2015. Theo quy định, phải di dời các nhà máy ra khỏi nội đô thị xã. Tuy nhiên, đến năm 2017 Công ty CP Bỉm Sơn Viglacera mới triển khai việc di dời Nhà máy gạch Ba Lan ra khỏi nội thị là có phần chậm trễ.
Đáng nói, sau khi di dời, thì khu đất khoảng 10ha của Nhà máy sản xuất gạch Tuynel Ba Lan (cũ) sẽ rơi vào tay ai? Các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức đấu giá, thu hồi hay thực hiện dự án…? Đây có lẽ là câu hỏi đang được đông đảo dư luận nơi đây đặc biệt quan tâm.
Bởi, sau khi di dời khỏi nội thị, thì lô “đất vàng” nằm giữa trung tâm phường Lam Sơn (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đang được rất nhiều “đại gia” trên địa bàn nhòm ngó.
Hệ thống tường bao vẫn quây kín xung quanh khu đất này.
Theo ghi nhận của PV, tại lô đất này, hàng loạt nhà xưởng, công trình phụ trợ của Nhà máy sản xuất gạch Tuynel Ba Lan (cũ) vẫn “án ngữ” tại đây. Hệ thống tường bao vẫn quây kín xung quanh. Phía bên trong khi đất vẫn có nhân viên bảo vệ trông coi…
Được biết, hiện tại các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có chủ trương cụ thể về việc sử dụng lô đất này vào mục đích gì? Nhưng, dư luận nhân dân vẫn hy vọng không có chuyện lợi ích nhóm thâu tóm “đất vàng”.
Tuấn Ngọc