Rao bán tràn lan...
Theo quy định tại khoản 28 Điều 2 Luật Dược, thuốc kê đơn khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.
Luật Dược năm 2016 cũng quy định, hành vi bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc là một trong các hành vi bị cấm; cơ sở kinh doanh dược có trách nhiệm chỉ được bán thuốc kê đơn tại cơ sở bán lẻ thuốc khi có đơn thuốc.
Tuy nhiên, rất nhiều tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội facebook đang rao bán tràn lan thuốc Tamiflu trị bệnh cúm, mà không cần tới đơn thuốc do bác sĩ kê. Thậm chí, các tài khoản này còn khuyến cáo người dân nên dự trữ 1-2 vỉ thuốc ở nhà, để dự phòng khi mắc cúm A. Các loại thuốc này được quảng cáo là xách tay về từ các nước, như: Nga, Pháp. Các cửa hàng này rao bán với giá từ 570.000 - 650.000 đồng/hộp/10 viên.

Cụ thể, tài khoản facebook T.L đăng tải: “Nhà e bán Tamiflu Nga hộp 10 viên, có bán lẻ liều dự phòng 3 viên. Tầm này cũng nên trữ 1, 2 hộp trong nhà cho con uống liều dự phòng. Giảm tỷ lệ biến chứng cúm cần dùng kháng sinh (viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang, viêm tai giữa); Khi được điều trị dự phòng, Tamiflu đáng kể (giảm 92%) và giảm đáng kể tỷ lệ mắc cúm ở những người tiếp xúc, làm giảm tần suất phân lập virus và ngăn chặn sự lây truyền virut từ thành viên gia đình này sang thành viên khác.
Theo dữ liệu hiện tại, khi dùng Tamiflu với mục đích phòng ngừa sau tiếp xúc (7 ngày) và phòng chống cúm theo mùa (42 ngày), không quan sát thấy tình trạng kháng thuốc; Điều trị cúm ở người lớn và trẻ em trên 1 tuổi. Dự phòng cúm ở người lớn và thanh thiếu niên trên 12 tuổi có nguy cơ nhiễm virut (trong các đơn vị quân đội và các đội sản xuất lớn, ở bệnh nhân suy nhược). Dự phòng cúm ở trẻ em trên 1 tuổi; Liều điều trị: Trẻ em 1- 8 tuổi: 1v/ ngày x 5 ngày; Trẻ 8 tuổi trở lên: (sáng1 - tối 1) x 5 ngày…”.

Tài khoản facebook H.H rao bán: “Nhà em bán Tamiflu Nga hộp 10 viên. Tầm này cũng nên trữ 1, 2 hộp trong nhà cho con uống liều dự phòng. Cúm A đang bùng phát, Tamiflu khan xong bị đẩy giá kinh khủng. Ở viện 300k/ viên, ở đâu rẻ thì cũng 100k-200k/ viên, nhà em bán Tamiflu Nga 630k/hộp 10 viên. Có bán lẻ liều dự phòng 3 viên: 250k/3 viên…”.
Tương tự, các loại kit test cúm A cũng được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, các sán thương mại điện tử. Chỉ cần gõ từ khóa test cúm A lên thanh tìm kiếm của các trang mạng xã hội người dân "choáng" với rất nhiều loại kit test khác nhau từ hàng Việt Nam đến hàng Mỹ, Châu Âu… Giá các loại kit test này có giá từ vài chục cho đến hơn 200.000 đồng/kit.
Sử dụng thuốc Tamiflu không có chỉ định của bác sĩ là rất nguy hiểm
Các chuyên gia nhận định, tình trạng người dân săn lùng mua thuốc Tamiflu, kit test phần nào thể hiện sự hoang mang của cộng đồng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch chồng dịch như hiện nay. Điều này còn khiến thị trường chợ đen lũng đoạn, đẩy giá lên cao, gây tâm lý hoang mang lo ngại không cần thiết, ảnh hưởng đời sống của người dân.
Theo BSCKI Nguyễn Thị Thủy, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, việc người dân ồ ạt đi mua mà không có chỉ định của bác sĩ là điều rất nguy hiểm. Bởi chúng ta không thể tự chẩn đoán bản thân có mắc cúm A hay không, thứ 2 người dân tự mua thuốc thì sử dụng có đúng liều, thời gian không, thứ 3 nữa là bản thân họ không tự phát hiện được các nguy cơ và biến chứng do cúm gây ra.
“Tamiflu là một loại thuốc kháng virus, nó khiến virus bất hoạt, khó nhân lên được nhưng không diệt được virus đó. Thuốc kháng virus cúm A - Tamiflu có tác dụng tốt nhất trong 48h đầu. Dùng muộn hơn sẽ không có tác dụng. Nên dùng Tamiflu khi có chỉ định của bác sĩ cho những trường hợp bệnh nặng, có bệnh lý nền, trẻ em dưới 2 tuổi hoặc người già”, bác sĩ Thủy cho biết.
Do đó bác sĩ Thủy khuyên tốt nhất khi có dấu hiệu cúm, chúng ta nên khám sớm. Việc phát hiện và chẩn đoán sớm rất quan trọng.

Tương tự, bác sỹ Đồng Phú Khiêm, Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho hay: "Thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48h đầu, có triệu chứng sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi và theo chỉ định của bác sĩ. Sau 48h, bệnh nhân chủ yếu được điều trị hạ sốt và chăm sóc để phòng biến chứng.
Thuốc kháng virus cúm chỉ có lợi ích với những người bị cúm nặng (đã nhập viện), hoặc bị cúm và có yếu tố nguy cơ bị nặng và cần được bác sĩ đánh giá và kê đơn. Việc tự ý mua và dùng thuốc tự do không theo hướng dẫn, không đúng liều lượng và thời gian có thể là yếu tố nguy cơ gia tăng tình trạng virus cúm đề kháng thuốc sẽ gây khó khăn cho điều trị bệnh cúm trong tương lai...".
Để phòng ngừa bệnh cúm mùa, bác sĩ khuyến cáo người dân cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng, tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh...
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để khám và xử trí kịp thời.
Trước đó, ngày 12/2, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Bộ Y tế; Các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc về việc đảm bảo cung ứng và kiểm soát giá thuốc điều trị cúm mùa.
Cụ thể, Cục Quản lý Dược yêu cầu các đơn vị, trong đó Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện Công văn số 3847/QLD-KDngày 02/12/2024 và Công văn số 414/QLD-KD ngày 07/2/2025 của Cục Quản lý Dược về việc bảo đảm cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh, thuốc điều trị bệnh cúm.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho người dân không tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị cúm A khi không có chỉ định của bác sĩ.
Tổ chức thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm mùa, các thuốc điều trị cúm A, đặc biệt là vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc (thực hiện kê khai giá không đúng quy định, không thực hiện niêm yết giá thuốc, bán cao hơn giá niêm yết,...), các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, bán thuốc kê đơn nhưng không có đơn của bác sĩ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Tuấn Ngọc