Trong công tác quản lý, vận hành, Công ty thành lập ban chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu kỹ thuật từ tỉnh đến các Điện lực, xây dựng cụ thể chương trình thực hiện của từng tháng, quý và cả năm. Hàng tháng họp giao ban để phân tích, đánh giá và đưa ra các biện pháp thực hiện cụ thể. Duy trì điện áp tại các trạm 110kV theo đúng định mức cho phép, thường xuyên kiểm tra lưới điện để phát hiện và xử lý kịp thời các khiếm khuyết trên lưới điện, nhằm bảo đảm an toàn cho thiết bị và giảm tổn thất điện năng (TTĐN). Thực hiện cân pha, san tải những TBA công cộng đang vận hành lệch pha, rà soát, tư vấn khách hàng lắp tụ bù nâng cao hệ số cosφ (giảm thất điện áp, tăng khả năng truyền tải điện cảu đường dây và MBA).

Nỗ lực giảm tổn thất điện năngNỗ lực giảm tổn thất điện năng

Trong giai đoạn 2016-2019, tổng dung lượng bù trung áp là 46.400 kVAr, dung lượng bù hạ áp là 275.520 kVAr. Năm 2020, lắp đặt tụ bù là 24.440kVAr, trong đó tụ bù trung áp 4.800kVAr (dự kiến đưa vào vận hành xong trước 30-12); tụ bù hạ áp là 16.600kVAr (dự kiến lắp đặt xong trước 30/11) và bổ sung lắp đặt tụ bù hạ áp 3.000kVAr (xong trước 30/12). Theo dõi hệ số cosφ của từng đường dây trung áp, trạm công cộng, kịp thời có phương án xử lý những lộ có hệ số cosφ thấp; khai thác vận hành tối ưu hệ thống bù trung áp. Thí nghiệm thiết bị, kiểm định định kỳ công tơ tại các điểm đo ranh giới, điểm đo xuất tuyến tại trạm 110 kV đúng hạn. Tính toán tổn thất công suất theo chương trình PSS/ADEPT với việc tính toán TTĐN hàng tháng trên CMIS, nhằm xác định nguyên nhân các xuất tuyến có tổn thất biến động để đưa ra phương thức vận hành tối ưu lưới điện, xử lý sớm các điểm có nguy cơ sự cố.  

Đối với công tác quản lý kinh doanh, xây dựng chương trình phần mềm kết nối với hệ thống MRIS, AMI.ONE... để giám sát chất lượng điện năng, tình hình hoạt động của hệ thống đo đếm. Thay công tơ 3 pha cơ khí tại các TBA công cộng bằng công tơ điện tử kết nối dữ liệu từ xa qua hệ thống MRIS, AMI.ONE. Từng bước thay thế công tơ cơ khí bán điện CCX 2.0 bằng công tơ điện tử CCX1.0 truyền dữ liệu tập trung tự động. Triển khai áp dụng công nghệ GCS bằng camera wifi kết hợp với máy tính bảng trong khi chưa thay hết các công tơ cơ bằng công tơ điện tử. Bảo đảm chất lượng kiểm định bước đầu công tơ để công tơ đo đếm chuẩn xác trong cả chu kỳ làm việc (5 năm với công tơ 1 pha, 2 năm với công tơ 3 pha).

Chấp hành chế độ quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện vị trí thiết bị đo đếm bị sự cố hoặc bị can thiệp trái phép trên lưới điện. Củng cố và nâng cao chất lượng ghi chỉ số công tơ, nhằm mục đích tìm ra công tơ kẹt cháy, hư hỏng ngay trong quá trình ghi chỉ số để xử lý, kiểm tra, thay thế kịp thời hệ đo đếm điện khi bị sự cố. Thay thế công tơ 3 pha cơ khí bằng công tơ điện tử 3 giá với khách hàng sản xuất, kinh doanh dịch vụ thuộc diện lắp công tơ 3 giá.

Tăng cường công tác kiểm tra chống các hành vi lấy cắp điện, phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý nghiêm theo đúng quy định đối với các vụ vi phạm. Tuyên truyền để các nhân viên quản lý vận hành, các đơn vị và người dân nâng cao nhận thực về giảm TTĐN, cùng cộng đồng chấp hành các phương án tiết kiệm điện.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý kết hợp với giải pháp kỹ, Công ty Điện lực Bắc Ninh đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu giảm TTĐN, với kết quả giảm dần qua từng năm. Cụ thể, năm 2016 tỷ lệ tổn thất điện năng của toàn Công ty là 4,03%, giảm 0,39% so với năm 2015;  Năm 2017 là 3,74%, giảm 0,29% so với năm 2016; Năm 2018 là 3,17%, thấp hơn so với kế  hoạch Tổng công ty Điện lực miền Bắc giao và giảm 0,45% so với năm 2017.  Riêng năm 2019, do tiếp nhận lưới điện cao thế nên tổn thất được tính thêm cả phần tổn thất lưới 110KV, thực hiện đạt kế hoạch Tổng công ty giao.

Ngọc Huy