Do vậy, hàng loạt bãi cát "lậu" vẫn ngang nhiên hoạt động, còn các chủ bãi thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Bãi tập kết cát của Công ty Minh Cường
Hiện nay, trên địa bàn thôn Đại Độ, xã Võng La (Đông Anh, Hà Nội) đang tồn tại 5 bến bốc xếp vật liệu xây dựng với khối lượng lớn. Trong đó toàn bộ các bến bốc xếp này là hoạt động không phép. Đơn cử là bến của Công ty Tuấn Vinh, Công ty Minh Cường…
Được biết, số lượng cát tập kết tại đây lên tới hàng nghìn khối, các chủ kinh doanh sử dụng mặt và mái đê để kinh doanh. Hàng ngày, lưu lượng xe tải vận chuyển liên tục đã dẫn đến việc sạt lở và phá vỡ mặt đê. Thậm chí, nhiều bãi cát còn thường xuyên vi phạm Luật Đê điều và Phòng chống thiên tai.
Theo ghi nhận, điểm chung của các bãi cát này đều vi phạm hành lang bảo vệ đê khi tập kết cát sát dưới chân đê. Đặc biệt, có những đơn vị còn lợi dụng việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương để ngang nhiên vi phạm Luật Đê điều.
Bãi tập kết cát của Công ty Tuấn Vinh
Theo tìm hiểu của PV, hàng năm Hạt quản lý đê điều phối hợp cùng với các cơ quan chức năng và chính quyền xã Võng La (nơi tồn tại những bãi cát "lậu"), thường xuyên kiểm tra, thậm chí lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính… Nhưng, không hiểu lý do vì sao mà những bãi cát này vẫn công khai hoạt động, ngang nhiên vi phạm mà không bị xử lý triệt để?
Theo hồ sơ UBND xã Võng La cung cấp, hàng loạt các bãi cát tại đây năm nào cũng bị lập biên bản kiểm tra vi phạm Luật Đê điều và Luật Phòng chống thiên tai. Dù cơ quan chức năng đã nhiều lần xử phạt hành chính, nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Các chủ bãi cát vẫn tiếp tục tập kết cát, hoạt động kinh doanh buôn bán diễn ra thường xuyên.
Hàng loạt Biên bản xử phạt trước đó
Theo ông Trần Đình Ngọc, Phó chủ tịch UBND xã Võng La cho biết: “Thẩm quyền cấp xã chỉ được phép xử phạt với số tiền rất thấp, nên không đủ tính răn đe. Thậm chí, mới đây Hạt quản lý đê huyện Đông Anh còn xử phạt các bến bãi này từ 30.000.000 tới 50.000.000đ, nhưng vẫn không thể xử lý dứt điểm…”.
Cũng theo ông Ngọc cho rằng, các doanh nghiệp này rất muốn đóng thuế cho Nhà nước để hoạt động đúng pháp luật. Tuy nhiên, có nhiều vướng mắc nên không thể triển khai, đành tiếp tục vi phạm.
Trái ngược với những lý do của vị Chủ tịch xã Võng La đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng, thẩm quyền xử lý ban đầu phải là cấp xã, xã phải xử lý, trước sau đó mới đến cấp trên. Nếu chính quyền xã Võng La cương quyết, thì làm gì có cá nhân, tổ chức nào dám vi phạm, các bãi cát đâu có thể ngang nhiên hoạt động như hiện nay.
Thậm chí, nhiều người dân còn cho rằng: Các bãi cát trên địa bàn xã Võng La không bị xử lý, liệu có việc buông lỏng quản lý hay không? Hay có sự tiếp tay để các bãi cát ngang nhiên hoạt động?
Được biết, tuyến đê tả sông Hồng là tuyến đê cấp 1, bảo vệ cho hàng trăm nghìn hộ dân tại huyện Đông Anh, và là con đường huyết mạch nối với các huyện Mê linh và hai huyện của tỉnh Vĩnh Phúc là Yên Lạc và Vĩnh Tường. Với lưu lượng tham gia giao thông đông đúc, đang ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng.
Dù đã có biển giới hạn trong tải 10 tấn, nhưng hàng loạt xe tải chở cát có trọng tải lên tới hàng chục tấn vẫn ngang nhiên hoạt động
Bên cạnh đó, tại đây mặt đê đã bị xuống cấp, nhiều ổ voi, ổ gà xuất hiện với mật độ dày đặc, mà nguyên nhân chính có thể là do xe quá tải vận chuyển vật liệu xây dựng gây nên.
Trước thực trạng nêu trên, đề nghị UBND TP. Hà Nội, huyện Đông Anh và cơ quan chức năng liên quan cần có biện pháp mạnh xử lý mạnh tay, để ngăn chặn và giải quyết dứt điểm hoạt động vi phạm của các bãi tập kết cát trái phép nêu trên.
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Tô Thanh