Bài 15 - Phước Tân: Lập "khu dân cư lụi" trên đất nông nghiệp để trục lợi

Lợi nhuận “siêu khủng”, thu hồi vốn nhanh, nhiều chủ đất đã ngang nhiên tách thửa, phân lô bán nền với giá cao ngất ngưởng. Từ lợi nhuận “khủng” đó nhiều thửa đất lúa, đất trồng cây lâu năm, trồng cây hằng năm, cũng được “nâng cấp” trở thành các dự án khu dân cư (KDC).

Khu dân cư xây lụi trên đất nông nghiệpKhu dân cư xây lụi trên đất nông nghiệp (Ảnh: HD)

Siêu lợi nhuận từ khu dân cư lụi

Trong vai người có nhu cầu mua đất cất nhà, PV đã theo chân anh T, một cò môi giới chuyên phân phối lô nền trên đất nông nghiệp tiếp cận một khu dân cư lụi với quy mô có thể khiến nhiều người giật mình. Xuất phát từ hướng vòng xoay cổng 11 khu du lịch vườn Xoài ở ấp Tân Cang (phường Phước Tân, TP. Biên Hòa, Đồng Nai), ngay bên cạnh Công ty TNHH Thiên Tùng có một con hẻm nhỏ dẫn vào tổ nhân dân số 7, 7A, 7B.

Với diện tích hơn 5ha, hàng trăm ngôi nhà đã có người vào ởDù xây trái phép trên đất nông nghiệp nhưng đã có hàng trăm ngôi nhà đã có người vào ở (Ảnh: HD)

Tuy nhiên đây không phải là con hẻm thông thường mà nó dẫn vào một khu đất nông nghiệp rộng lớn với quy mô hơn 5ha mà theo quan sát của PV khu vực này đã được lập thành dự án, các đầu nậu đang tích cực rao bán, thậm chí đã có hơn 100 căn nhà đã được xây dựng trái phép, đã có người dân sinh sống, và hàng chục căn nhà khác cũng đang được gấp rút hoàn thành.

Nhiều lô nền vẫn tiếp tục được giáo bán, nhiều căn hộ vẫn đang gấp rút hoàn thànhNhiều lô nền vẫn tiếp tục được giao bán, nhiều căn hộ vẫn đang gấp rút hoàn thành (Ảnh: HD)

Theo quan sát, khu đất đã làm xong những con đường đổ bê tông 4m phân bổ theo dạng bàn cờ, cột điện được trồng thẳng tắp đã kéo dây và cấp điện phục vụ hàng trăm hộ dân đang sinh sống, cò đất cũng cho biết ở đây người dân sử dụng nước sạch nhà máy?.

Trao đổi với ông B.B.T. một người dân đã mua đất, xây nhà tại khu dân cư “lụi” này cho biết: Tất cả các lô đất ở đây chúng tôi đều giao dịch bằng giấy viết tay, sổ chung. Khi PV tò mò hỏi nhà ở trên đất nông nghiệp như thế này thì làm sao để có thể xây dựng? Ngay lập tức ông B.T. cho biết muốn xây dựng thì chỉ cần chung chi, xây nhà cấp 4 thì nộp 7 triệu đồng/lô, nhà lầu thì 20 đến 50 triệu đồng/lô, kéo điện thì đóng 3 triệu đồng và nếu muốn có nước sạch thì mỗi hộ phải đóng với mức phí 6,5 triệu đồng sẽ có ngay nước sạch…

Muốn xây nhà, kéo điện chỉ cần có chung chiMuốn xây nhà, kéo điện chỉ cần có chung chi (Ảnh: HD)

Còn theo người môi giới khu đất rộng hơn 5ha này hay còn gọi “khu dân cư ông Biên” do ông Lê Văn Biên và một vài cá nhân khác cùng thu gom đất nông nghiệp tại 2 tờ số 36 và tờ số 47 với hơn 50 thửa đất, để lập dự án phân lô bán nền.  Riêng cá nhân ông Lê Văn Biên cũng đóng góp 3 thửa đất có diện tích gần 2 ha đất trồng cây lâu năm, trong đó tại tờ số 36 có thửa 223, diện tích 2.015 m2  đất, thửa 83 có diện tích 6.118 m2 và thửa 160 có diện tích 11.810 m2.

Siêu lợi nhuận khiến nhiều người ra sức thu gom đất nông nghiệp để phân lôCứ 1 ha đất nông nghiệp sẽ được các đầu nậu phân thành 80 nền (Ảnh: HD)

Theo những người hoạt động trong lĩnh vực  môi giới tại đây thì ông Biên chính là trùm thu gom đất nông nghiệp, ông này sở hữu hàng ngàn m2 đất nông nghiệp, ngoài các thửa nêu trên, ông Biên cũng sở hữu nhiều thửa đất khác ví dụ như  tại tờ 26 thửa 41, tờ 36 thửa 27, tờ 14 thửa 48…

Được biết cứ 1 ha đất nông nghiệp sẽ được các đầu nậu phân thành 80 nền, mỗi nền có diện tích trên dưới 100m2, với diện tích hơn 5ha của KDC lụi này sẽ có khoảng 400 nền được hình thành. Mỗi nền đang được chào bán với giá thấp nhất là 400 triệu đồng/nền. Và với việc sở hữu gần 2ha, một mình ông Biên đã có khoảng 160  nền, cũng với giá 400 triệu đồng/nền.  Số tiền ông Biên thu về cho gần 64 tỷ đồng. Có thể thấy lợi nhuận từ đất mang về béo bở cỡ nào.

Cứ 1 ha đất nông nghiệp sẽ được các đầu nậu phân thành 80 nền,Siêu lợi nhuận khiến nhiều người ra sức thu gom đất nông nghiệp để phân lô (Ảnh: HD)

Trong khi đó theo quy định của pháp luật muốn thành lập KDC hợp pháp phải phù hợp quy hoạch chung, đất phải là đất thổ cư và cơ sở hạ tầng phải hoàn thiện. Tuy nhiên ở dự án khu dân cư 5ha này có thể thấy hạ tầng chưa đồng bộ, đường dẫn vào KDC nhỏ và hẹp so với quy định của pháp luật. Mặt đường đa phần là bê tông cốt thép nhưng chỉ làm cho có hình thức. Chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, mặt đường đã xuống cấp, xuất hiện tình trạng nứt lún.  Nước thải được xả trực tiếp xuống sông Buông. Đường điện mới chỉ đấu nối tạm bợ, dễ gây cháy nổ, hỏa hoạn, dây truyền tải kém…

Nhan nhản những dự án khu dân cư không phép

Có thể thấy ở Phước Tân (Đồng Nai) không thiếu những khu dân cư lụi kiểu KDC 5ha của ông Biên mà còn rất nhiều các dự án khác đang “mọc lên như nấm sau mưa”. Cụ thể thửa số 11, tờ 90 có diện tích 4.962 m2 đất lúa, tại đây đã hình thành khu dân cư với những căn nhà cấp 4 xây kiên cố, hoặc xây một trệt một lầu, có diện tích 50 -100 m2 tùy nhu cầu khách hàng, một số ít vẫn đang tiếp tục được rao bán với giá 400 - 800 triệu đồng/lô tùy vị trí và tùy vào diện tích.

DKDKFGNGGNfghjTờ số 79 thửa 31 có diện tích 11.208 m2 (Ảnh: HD)

Hay thửa 217, tờ 79 có diện tích 3.927 m2 là cũng là đất lúa xen lẫn đất trồng cây hằng năm. Thửa 201, tờ 36 có diện tích 2.541 m2 đất trồng cây lâu năm, thửa 234 tờ số 36 có diện tích 500 m2, thửa 115 số tờ 47 có diện tích 2.475 m2, thửa 136 tờ 47 có diện tích 2.904 m2, những thửa đất này đang tấp nập phân lô và đã hình thành một khu dân cư đông đúc …

Liệu những ông trùm đất nông nghiệp này có phải chính là những Alibaba thu nhỏ hay không?Liệu những ông trùm đất nông nghiệp này có phải chính là những Alibaba thu nhỏ hay không? (Ảnh: HD)

Ở Phước Tân không chỉ có một ông Biên là trùm đất nông nghiệp mà có rất nhiều cá nhân như ông Biên đứng tên thu gom đất nông nghiệp, đất lúa để phân lô bán nền cụ thể tại tờ số 37, ông Nguyễn Văn Duy trú tại ấp Thạnh Phú, Huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai được cấp nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như thửa 121 với diện tích 914 m2 đất lúa, thửa 118, cũng tại tờ số 37 này bà Lê Thị Thúy Hoa trú tại quận 2 TP.HCM, sở hữu thửa 120 với diện tích 1.275 m2 đất lúa, thửa 117 với diện tích 1.063m2 đất trồng cây hằng năm, tại tờ 30 có các thửa thửa 132, thửa 189, tờ 16 thửa 120, tờ 18 thửa 319...

Ông Lê Quang Chính và bà Vũ Thị Bích Hường cũng sở hữu 1.000 m2 đất lúa tại tờ 37 thửa 99, ông Hà Đăng Tiến và bà Nguyễn Thị Bích Thủy sở hữu thửa 98 tờ 37 với 1. 313 m2 đất lúa…

Những cá nhân này bằng cách nào đó đã phù phép để biến đất nông nghiệp thành nhà ở hoặc nhà xưởng. Có thể nhận thấy những hành vi xây dựng xây dựng KDC lui trên đất nông nghiệp nhằm trục lợi để lại nhiều hệ lụy, và người dân có thể mất tài sản bất cứ lúc nào, nhưng tại sao hành vi vi phạm luật đất đai theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Luật đất đai năm 2013: “3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.”,  diễn ra ngang nhiên như vậy lại không bị xử lý? Công ty Alibaba đình đám cũng với hình thức lừa đảo tương tự, như thu gom đất lúa, đất nông nghiệp, làm đường, kéo điện vẽ dự án ma đã bị khởi tố trước pháp luật. Vậy, tại sao những trùm đất nông nghiệp ở đây lại có thể vô can mặc dù hình thức vi phạm giống nhau? Liệu những ông trùm đất nông nghiệp này có phải chính là những Alibaba thu nhỏ hay không?

Mặc dù thời gian qua, báo chí đã phản ánh rất nhiều về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, tuy nhiên ở Phước Tân những căn nhà không phép trên đất nông nghiệp vẫn ngày đêm mọc lên điều này cho thấy rõ ràng có sự bao che, ngó lơ của chính quyền địa phương?

Theo tiết lộ của những người môi giới ở ấp Tân Cang việc ông Biên và ông Tài là trùm sở hữu rất nhiều đất nông nghiệp, (trực tiếp hoặc nhờ người đứng tên), hai ông này gom đất phân lô, công khai giao bán với giá từ 400 đến 800 triệu đồng/nền tùy vào vị trí, diện tích....

Trong quá trình môi giới cho khách, cò mồi cũng sẵn sàng khẳng định chung chi bao xây dựng với giá 5 đến 7 triệu đồng/căn nhà cấp 4, còn nhà lầu thì 20 đến 50triệu đồng/căn, điện 3 triệu đồng, nước sạch 6,5 triệu đồng..... câu trả lời về sự chung chi này xin dành cho chính quyền Phước Tân. Thực hư chưa rõ thế nào, nhưng những căn nhà vẫn hàng ngày mọc lên trên đất lúa thì có lẽ điều người môi giới nói có lẽ là có thật.

Và nếu thực sự có việc chung chi, móc nối, ngó lơ để người dân tại các KDC lụi xây nhà, đấu điện, cấp nước thì hệ lụy thật không dám tưởng tượng. Phải chăng chính quyền địa phương cũng đang “phù phép” để các trùm đất dần hợp thức hóa những KDC lụi, đồng thời góp phần giúp các đầu nậu băm nát quy hoạch, thu lợi bất chính?

TH&CL sẽ tiếp tục thông tin!

Hải Dương