Nếu có hiện tượng trục lợi từ dịch bệnh thì đây là tội ác
Theo quan sát của PV Thương hiệu và Công luận tại khu vực đối diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp những ngày gần đây, các nhà thuốc Đậm, nhà thuốc Thành lúc nào cũng đông kín khách. Mặt hàng được mua nhiều nhất là các loại thuốc, thiết bị y tế, vật dụng, thực phẩm chức năng (TPCN) hỗ trợ việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Điều đáng nói là các sản phẩm trên hầu hết không được niệm yết giá, không có nhãn phụ đối với sản phẩm 100% chữ nước ngoài, không có bảo hành, cũng chẳng có hướng dẫn sử dụng. Không chỉ nghi ngờ các nhà thuốc trà trộn bán hàng không rõ nguồn gốc cho người tiêu dùng mà tại một số nhà thuốc nhân viên bán hàng còn gian dối khi giới thiệu về sản phẩm.
Cụ thể, chị N. (quận Lê Chân) mua bộ test Covid-19 tại nhà thuốc Vũ Tôn tại ngã 6 Quán Trữ, quận Kiến An được giới thiệu là bộ test mũi của Mỹ nhưng khi chị N. kiểm tra thì bộ test 100% chữ nước ngoài và không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, trên que lấy dịch tỵ hầu lại ghi địa chỉ sản xuất tại “China”.
Người tiêu dùng buộc phải phó mặc cho nhà thuốc bán gì mua ấy
Giá mỗi bộ kit test nhanh giao động khoảng 60.000 – 70.000 đồng/bộ. Nguồn gốc xuất xứ của của các loại kit test vô cùng phong phú: Việt Nam, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc,…
Ngoài kit test "hót" thì những ngày qua, các sản phẩm khác như: Viên sủi vitamin C, viên xông tinh dầu, viên hạ sốt, máy xông tinh dầu, máy đô nồng độ ô xy trong máu, dung dịch sát khuẩn,… cũng trở lên “đắt khách”. Tuy nhiên, các sản phẩm như máy đo nồng độ ô xy trong máu, máy xông tinh dầu hầu hết đã "cháy hàng" thì "còn loại "rẻ tiền” của Trung Quốc và không có bảo hành", giới thiệu của nhân viên nhà thuốc với các sản phẩm họ bán.
Đặc điểm của các loại máy này là giá thành thấp từ 95.000 - 150.000/chiếc máy đo nồng độ ô xy trong máu, có 100% chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ, không có giá niêm yết và không có bảo hành. Máy xông tinh dầu cũng tương tự máy đo nồng độ cồn, không có giá niêm yết, không bảo hành, có nhãn phụ và có 100% chữ nước ngoài. Mặc định giá và nguồn gốc xuất xứ do nhân viên bán hàng “chỉ định”.
Bán hàng kiểu nửa kín nửa hở
Nhiều cửa hàng thuốc, hiệu thuốc có cách bán hàng hết sức “kì lạ”, cửa cuốn đóng gần hết, chỉ để lại một khoảng ngắn hở từ trên xuống, kiểu không chào đón thượng đế nhưng người tiêu dùng vẫn "tự nguyện" biến "thành vịt" để các nhà thuốc, cửa hàng thuốc "vặt lông". Các thượng đế vẫn chấp nhận việc chui vào từ tư thế thấp gần sát mặt đất để có thể mua được thuốc và các vật dụng y tế cần thiết cho bản thân và gia đình. Có những người vào trong rồi thì chủ của hàng này bấm đóng chặt cửa cuốn xuống, để lại nhiều vị khách đứng chờ bên ngoài với tâm thế sẵn sàng đợi cửa chỉ hơi mở cao lên là “chui vào”. Đúng là có bệnh thì “vái tứ phương”, giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, thuốc và các vật tư y tế vô cùng cần thiết và cấp bách nên các thượng đế chấp nhận khom lưng, cúi mình để mua cho đủ.
Không những có cách bán hàng "kì quái", mà giá cả các loại thuốc dùng điều trị bệnh có biểu hiện liên quan đến Covid-19 cũng được chính thượng đế mua hàng tại đây phản ánh bị tăng giá “đột biến”. Một khách hàng nói về loại thuốc mình đang mua: “Tầm 04 ngày trước, tôi mua cũng chỗ này, giá bán rẻ hơn hôm nay cả trăm nghìn đồng”, chị khách này nói thêm “chỗ này bán hàng vớ vẩn thật, mình không nói giá cũ thì nó không bớt”.
Chị Hạnh, quận Lê Chân bày tỏ: Trước đó không lâu chị có mua thực phẩm chức năng giảm cân Herbalife tại nhà thuốc Thành 307 Cát Dài nhưng lại bị mài mất mã code. Chị có hỏi thì nhân viên bán hàng nói: “Người ta giao như thế nào em bán như thế. Nếu không tin tưởng thì không mua nữa thế thôi.”
Tương tự, về nhà thuốc Đậm số 303 Cát Dài, chị Hạnh bộc bạch, sau khi mua sản phẩm chức năng giảm cân Herbalife thì phát hiện bị cắt mất ô thành phần, mã vạch nên đem trả lại. Giải thích về việc bị việc bị cắt thì nhân viên nhà thuốc nói: “Đây là do hãng người ta đánh dấu.”
Trước tình trạng thuốc, vật tư y tế, thực phẩm chức năng bị bán tùy tiện, bán hàng không có nhãn phụ đối với sản phẩm 100% chữ nước ngoài, hàng kém chất lượng, trà trộn bán hàng không chính hãng, hàng không có tem mác. Việc tự ý tăng giá, không niêm yết giá bán là hành vi đáng bị lên án trong lúc dịch bệnh đang căng thẳng nhưu hiện nay. Đề nghị UBND TP. Hải Phòng, Sở Y tế Hải Phòng, Cục Quản lý thị trường Hải Phòng cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với các nhà thuốc trà trộn bán hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không niêm yết giá bán và lên án hành vi trục lợi từ dịch bệnh nếu có.
Chúng tôi tiếp tục chuyển đến bạn đọc các thông tin liên quan.
Nhóm PV