Festival là nơi để các địa phương giao lưu văn hóa - kinh tế - du lịch, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường sản phẩm OCOP và nông dân, đặc biệt là các loại trái cây đặc sản của tỉnh Sơn La và các địa phương tới thị trường trong và ngoài nước...
Đến thời điểm này, tỉnh Sơn La đã hoàn tất công tác chuẩn bị, hướng tới một Festival trái cây và sản phẩm OCOP năm 2022 an toàn, thành công.
Tại Quảng trường Tây Bắc, nơi bố trí sân khấu chính đã hiện hữu 1 con đường nông sản rực rỡ sắc màu, với rất nhiều hình ảnh các loại trái cây và sản vật mang đặc trưng văn hóa của các vùng miền, làm nổi bật chủ đề của Festival năm nay.
Quanh quảng trường có tới hơn 400 gian hàng triển lãm trực tiếp chia thành các khu vực với chủ đề khác nhau như: “Nông sản Việt và sản phẩm OCOP - vươn ra Thế giới”; “Thành tựu phát triển nông nghiệp Việt Nam”; “Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và tiềm năng của tỉnh Sơn La; Ngày hội làng Việt; không gian văn hóa ẩm thực miền sơn cước…
Các sản phẩm trái cây, nông, lâm, thủy sản được các địa phương trưng bày công phu, đặc sắc, thể hiện nét đặc trưng riêng của từng địa phương ở mỗi gian hàng.
Tham dự Festival, các đơn vị đều mang đến những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP và các sản phẩm tiêu biểu, chất lượng cao như trà hoa vàng, sâm nam núi…của tỉnh Bắc Giang; Thịt chua lợn đen…của tỉnh Tuyên Quang; Tinh dầu bạc hà, Trà sạ đen, ống hút rau củ…của thành phố Hà Nội.
Riêng tỉnh Sơn La, đã lựa chọn hơn 220 mặt hàng nông, lâm, thủy sản của 12 huyện, thành phố tham gia trưng bày tại Festival, trong đó có hơn 70 sản phẩm OCOP gồm nông sản tươi sống và nông sản chế biến; các loại đồ uống; các sản phẩm có thành phẩm từ cây dược liệu, làm từ bông, sợi, gỗ, kim loại, dệt may…
C.H (t/h)