Cái ấm áp của không khí, cái ẩm của đất làm cho sự sinh sôi trong các cánh rừng bỗng trở nên nhộn nhịp. Hoà cùng nhịp điệu ấy, những búp măng đầu mùa nhú ra khỏi đất, tìm ánh sáng vươn lên mạnh mẽ. Khi gặp được điều kiện thuận lợi, chúng lớn nhanh như thổi, độ vài ba tuần là đã có thể thu hoạch.
Măng đắng trước đây chỉ là món ăn đơn giản của người dân miền núi
Không riêng người dân nơi đây thích món ăn này, nhiều người ở miền xuôi cũng lên đây nhập đưa về bán. Nhờ vậy mà giờ đây, măng đắng không chỉ là một món ăn đặc sản mà nó còn mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con.
Thời gian này là thời điểm đầu mùa, tại các chợ vùng cao măng đắng có giá dao động từ 30.000đ đến 45.000đ/kg. Vào giữa vụ, măng vẫn giữ được mức giá từ 15.000đ – 20.000đ/kg, người dân vẫn có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Những cây mới nhú lên khỏi mặt đất thân màu hồng, búp mập mạp là những cây có vị ngon, ngọt đắng dịu nhất
Măng đắng được mọc lên từ những dãy đồi, sườn núi, và được nhú lên từ mặt đất. Khi có mưa rào măng mọc lên rất nhanh, măng ngon nhất là được hái từ lúc còn chưa nhú khỏi mặt đất, khi đó từng búp măng sẽ trắng ngần nõn nà trông thật hấp dẫn.
Ngày nay, với lợi ích kinh tế cao, người dân các tỉnh miền núi đã mở rộng, nhân giống trồng với diện tích lớn để phục vụ nhu cầu bà con. Anh Thế Anh (Bá Thước, Thanh Hóa) cho biết: “Với diện tích 1ha đồi trồng măng của gia đình, mỗi năm trừ chi phí nhân công, gia đình thu về hàng chục triệu đồng. Mấy năm gần đây, măng được giá nên bà con cũng phấn khởi, kinh tế có phần ổn định hơn trước đây rất nhiều”.
Người dân hồ hởi lên rừng tìm măng sau những ngày chơi xuân
Với măng đắng ta có thể chế biến được nhiều món ăn mà không cảm thấy chán. Trong bữa cơm, có thêm những đĩa măng đắng xào, luộc, nấu xương hay nấu với vịt, thịt lợn làm đa dạng trong sổ tay ẩm thực – món ngon mỗi ngày của gia đình
Măng đắng được coi như thứ thực phẩm gắn chặt với truyền thống ẩm thực. Vị ngăm đắng xen lẫn ngọt nhẹ của măng dường như ngấm vào tâm hồn của mỗi người, đặc biệt là với những người xa quê hương, cứ mỗi mùa Xuân về, mùa của măng đắng, trong lòng lại trào lên nỗi nhớ quê, nỗi nhớ vị đắng ngọt ngăm ngăm của măng.
Việt Trinh