Tối 16/7, một lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, ngành Y tế tỉnh này vừa ghi nhận thêm 5 ca dương tính bạch hầu. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn tỉnh có 17 bệnh nhân bạch hầu. Cụ thể, huyện Cư Mgar: 6 ca, M'Drắk: 6 ca, Krông Bông: 3 ca, Cư Kuin: 1 ca và huyện Lắk: 1 ca.

Trong 5 bệnh nhân nói trên thì có 2 bệnh nhân là người thân của bệnh nhân được phát hiện dương tính với bạch hầu khi đang mang thai 38 tuần là chị Thào Thị V. (19 tuổi, dân tộc Mông, trú tại thôn Cư Rang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông).

Sở Y tế Đắk Lắk kiểm tra công tác tiêm vaccine ở huyện Krông Bông.Sở Y tế Đắk Lắk kiểm tra công tác tiêm vaccine ở huyện Krông Bông

Điều tra dịch tễ của chị V. cho thấy, ngày 10/7 chị V. xuất hiện triệu chứng sốt, đau đầu, đau họng và mệt mỏi. Đến 11/7, chị V di chuyển sang thôn 4, xã Ea M’Đoan, huyện M’Đrắk để thăm người thân. Tại đây, các triệu chứng sốt, đau đầu, đau họng vẫn tiếp diễn.

Đến sáng 14/7, bệnh nhân nhập viện điều trị tại Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện hai amydal của bệnh nhân sưng nề, có giả mạc trắng bao quanh và chẩn đoán theo dõi bạch hầu.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, ngành Y tế Đắk Lắk cách ly các thôn, xã có người mắc bệnh, đồng thời tổ chức phun hóa chất khử khuẩn cho toàn khu vực có ca bệnh và giám sát chặt chẽ việc uống kháng sinh dự phòng cho người dân trong vùng. Huyện cũng thành lập một trạm xá dã chiến để đáp ứng việc khám chữa bệnh cho người dân.

Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk cũng xuống xã Đray Bhăng (huyện Cư Kuin), thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Lực lượng chức năng cũng đang tổ chức khoanh vùng, lập chốt chặn cách ly hàng ngàn người dân tại lô 13 để tránh lây lan ra cộng đồng.

 Theo VTC