Tờ trình của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vốn đầu tư công, được đưa ra xem xét ngày 26/9, có 2 nội dung: Phân bổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 22.551 tỷ đồng nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho 11 dự án; phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2024 là hơn 2.100 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022.
Theo báo cáo thẩm tra Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, đa số ý kiến Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, các dự án sử dụng nguồn tăng thu Ngân sách Trung ương năm 2022 chỉ được phân phân bổ và thực hiện trong năm 2024, năm 2025, thời gian còn lại từ nay đến hết năm 2025 chỉ còn khoảng 16 tháng, trong khi đó các dự án này là các dự án quan trọng đã được báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội, để đảm bảo khẩn trương triển khai được các dự án, đưa được vốn đầu tư công vào nền kinh tế, căn cứ quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung trên trong gian giữa 2 kỳ họp Quốc hội là phù hợp với thẩm quyền đã được Quốc hội cho phép.
Tại Phiên họp, có ý kiến rằng, Nghị quyết của Quốc hội quy định thẩm quyền phân bổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn và bố trí kế hoạch vốn hằng năm thuộc thẩm quyền của Quốc hội, trường hợp cấp bách, giữa 2 kỳ họp Quốc hội thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ “trường hợp cấp bách”, vì vậy, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, đến thời điểm này, vẫn còn nhiều dự án, công trình chậm tiến độ, thậm chí chưa được phân bổ nguồn vốn. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương rà soát, làm rõ nguyên nhân, đôn đốc quá trình thực hiện, hoàn hoàn thiện các thủ tục đầu tư phân bổ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý, công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công cần tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra bất cứ công trình, dự án nào gây thất thoát, lãng phí, tạo niềm tin trong Đảng, trong nhân dân; bên cạnh đó cần phải giám sát chặt chẽ các dự án, công trình do Quốc hội phê duyệt.
"Đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, phải chịu trách nhiệm trước Thường vụ Quốc hội, trước Quốc hội về các nội dung thông tin, số liệu, phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn đã báo cáo, không để xảy ra tiêu cực. Thứ hai, phải rà soát, đảm bảo các dự án được bố trí vốn đủ thủ tục, điều kiện theo quy định. Thứ ba, tôi đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cam kết về tiến độ hiệu quả của dự án. Hiện nay các công trình phải đảm bảo tiến độ thời gian, đảm bảo chất lượng, chọn nhà thầu thi công phải có năng lực mới có chất lượng, không bán thầu. Chính việc bán thầu dẫn đến thất thoát nhiều", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí việc xử lý theo đề nghị của Chính phủ về phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với số vốn 22.551 tỷ đồng nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 và bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 và phân bổ vốn ngân sách Trung ương năm 2024 với số vốn là 2.131,115 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Đối với số vốn còn lại của nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 chưa phân bổ và bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm đúng thời hạn đã quy định tại Nghị quyết của Quốc hội.
PV (t/h)