Rủi ro lớn nhất đối với kiểm soát lạm phát cuối năm? - Hình 1

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng cao đột biến 0,55% so với tháng trước (mức cao nhất trong 6 năm qua), tăng 1,61% so với đầu năm và tăng 3,86% so với cùng kỳ. Như vậy CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 3,01% so với cùng kỳ.

Lạm phát cơ bản vẫn duy trì ở mức ổn định, tăng 1,37% so với cùng kỳ. CPI tháng 5 tăng cao chủ yếu do giá thực phẩm và xăng dầu tăng mạnh.

Cụ thể, giá thịt lợn tăng cao sau 1 thời gian dài giảm khiến giá thực phẩm tăng 1,2% so với tháng trước, đóng góp làm CPI tổng thể tăng 0,25 điểm %; giá xăng tăng 2 lần trong tháng khiến giá xăng dầu tăng 3,68% so với tháng trước, đóng góp làm CPI tổng thể tăng 0,16 điểm %.

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lạm phát 5 tháng đầu năm nhìn chung vẫn trong tầm kiểm soát. Giá thực phẩm trong năm 2018 sẽ tăng trở lại ở mức tương đương năm 2016, tác động làm CPI tổng thể tăng 0,5-0,8 điểm %, song rủi ro lớn nhất đối với vấn đề kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm 2018 là giá dầu thế giới đang có xu hướng tăng cao vượt dự kiến, do đó tác động của việc tăng giá xăng dầu trong năm 2018 vào CPI tổng thể sẽ lớn hơn so với năm 2017.

Theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nếu giá dầu bình quân năm 2018 tăng 17-20% so với năm 2017 như dự báo từ đầu năm (đạt mức 60-62 USD/thùng) sẽ làm cho giá nhóm giao thông tăng khoảng 5-7% so với năm trước và lạm phát năm 2018 dự báo sẽ tăng ở mức 3,5-3,8 % so với cùng kỳ.

Ở kịch bản khác, nếu giá dầu bình quân tăng khoảng 24-25% so với cùng kỳ lên mức 65USD/thùng theo như dự báo mới nhất của WB sẽ làm cho giá nhóm giao thông tăng khoảng 8-10% so với năm trước, lạm phát năm 2018 dự báo tăng 4-4,1% so với cùng kỳ.

Bảo Ngọc