PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)
Góc nhìn của Cục trưởng về việc nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam?
Việt Nam đã thanh toán, loại trừ và làm giảm đáng kể số ca mắc và tử vong hàng năm do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm - đó là do chúng ta đã triển khai thực hiện được chương trình tiêm chủng mở rộng.
Có những bệnh chỉ có vắc xin mới điều trị được hoặc làm giảm số ca mắc hàng năm, như việc thanh toán được bệnh bại liệt (năm 2000), loại trừ uốn ván vi sinh (năm 2005). Tỷ lệ số trẻ mắc sởi trên 100.000 dân (năm 2011) giảm 182 lần so với (năm 1984) và đang tiến tới loại trừ bênh sởi với số mắc nhỏ hơn 1/1 triệu dân. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 51/1000 (vào năm 1990) xuống còn 23/1000 vào (năm 2011). Tỷ lệ trẻ em tử vong dưới 1 tuổi trên 1000 trẻ đẻ sống đã giảm từ 23/1000 (năm 1990) xuống còn 12/1000 vào (năm 2010). Đặc biệt, sau khi chúng ta tiến hành chiến dịch tiêm vắc xin sởi - Rubella cho toàn bộ trẻ em từ 0 – 14 tuổi thì hiện nay không còn ca bệnh này nữa.
Công ty Sanofi Pasteur (Pháp) phối hợp với Viện Pasteur TP. HCM nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam cho kết quả tương đối khả quan, đáp ứng nhất định việc miễn dịch. Đây là điều cần thiết trong việc nghiên cứu để phòng chống dịch sốt xuất huyết hiện nay.
Cụ thể, kết quả nghiên cứu ra sao, thưa Cục trưởng?
Việt Nam là một trong 5 quốc gia ở châu Á tham gia giai đoạn 3 của tiến trình thử nghiệm với hơn 2000 trẻ từ 2 - 14 tuổi tình nguyện tham gia.
Quá trình nghiên cứu, thử nghiệm đã được thực hiện trong 6 năm qua, tại Mỹ Tho (Tiền Giang) và Long Xuyên (An Giang) - 2 địa phương có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao nhiều năm qua và được chính quyền, cộng đồng ủng hộ, chấp thuận, bệnh nhân và gia đình tình nguyện tham gia tiêm thử nghiệm.
Trẻ tham gia thử nghiệm được tiêm 3 mũi vắc xin, mỗi mũi cách nhau 6 tháng. Vắc xin thử nghiệm, có thể phòng được 4 type vi rút sốt xuất huyết.
Kết quả thử nghiệm cho thấy, vắc xin có hiệu quả cao nhất đối với type D4 (83,2%), tiếp đến là D3 (73,6%), D1 (58,4%) và D2 (47,1%). Đặc biệt, vắc xin này có hiệu quả cho trẻ từ 9 tuổi trở lên, trong đó phòng ngừa được hơn 90% những trường hợp sốt xuất huyết nặng.
Trong thời gian tới, Nhà sản xuất cần nghiên cứu để nâng cao hiệu quả phòng bệnh của vắc xin.
Vậy, khi nào vắc xin này có thể được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam?
Sau khi thử nghiệm thành công, muốn sử dụng rộng rãi, Công ty Sanofi Pasteur cần phải xin cấp phép sử dụng. Được biết, đơn vị này đang triển khai thực hiện thủ tục xin Bộ Y tế cấp phép, nếu được Hội đồng cấp phép vắc xin đồng ý thì Bộ sẽ cấp phép cho việc lưu hành vắc xin này. Tuy nhiên, giá thành của vắc xin này còn cao, đây cũng là khó khăn, trở ngại đối với việc tiêm đồng loạt khi người dân có nhu cầu tiêm vắc xin này để điều trị.
Hiện nay, đã có 17 quốc gia cho phép lưu hành vắc xin sốt xuất huyết, trong đó Brazil và Philippines đã tiêm đại trà.
Ông có khuyến cáo gì đối với người dân trong việc phòng chống sốt xuất huyết?
Chỉ khi nào vắc xin này chính thức được cấp phép lưu hành tại Việt Nam và Bộ Y tế có hướng dẫn sử dụng cụ thể, thì người dân mới nên sử dụng.
Tổ chức Y tế thế giới cũng đã khuyến cáo, cần phải phòng bệnh là chính: Nằm màn tránh muỗi, mặc áo dài tay; diệt loăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất khi dịch xảy ra; vệ sinh môi trường tại cộng đồng thường xuyên, liên tục.
Hàng năm, vào thời điểm này là cao điểm của dịch, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của ngành y tế và cả cộng đồng, phòng chống dịch thì hiện nay, tình hình dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng giảm (đặc biệt là Hà Nội). Đây là điều đáng mừng. Nhưng chúng ta không được phép chủ quan, nhất là chính quyền cơ sở, vì dịch vẫn diễn biến phức tạp, nếu lơ là, dịch có thể bùng phát trở lại.
Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!
Nguyễn Kiên (Thực hiện)