Từ cuối tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 148/QĐ-TTg phân quyền cho cấp huyện tổ chức chấm, xét chọn và công nhận các sản phẩm OCOP 3 sao, nhưng phải theo thang điểm và bộ tiêu chí chung, vẫn bảo đảm các yêu cầu nghiêm ngặt. Cấp tỉnh chỉ còn xét chọn và công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia do Trung ương xét chọn, đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận.
Tại Thanh Hóa, sau khi có Quyết định 148/QĐ-TTg, Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới đã tham mưu cho tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố triển khai.
Nhiều đơn vị cấp huyện đã thành lập hội đồng xét chọn, nhưng lần đầu triển khai nên nhiều khâu còn chậm.
Việc công nhận sản phẩm OCOP là cơ hội để các sản phẩm khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế. Đồng thời, tiếp tục tạo động lực để các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh nâng cao trách nhiệm, năng lực sản xuất, đưa thêm nhiều sản phẩm uy tín phục vụ thị trường.
Ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ:
Qua theo dõi, ban đầu có tình trạng một số huyện ngại trách nhiệm nên chưa vào cuộc quyết liệt mà vừa làm vừa thăm dò. Sau đó, các sở như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Y tế cũng đồng hành vào cuộc, được mời đánh giá tại các hội nghị xét chọn với tư cách là thành viên hội đồng xét chọn. Tính đến ngày 15/7, đã có 9 đơn vị cấp huyện tổ chức được hội nghị đánh giá, phân hạng và xét chọn sản phẩm OCOP với hơn 40 sản phẩm OCOP 3 sao được công nhận.
Việc phân quyền cho cấp huyện xét chọn và công nhận sản phẩm OCOP đã yêu cầu cấp xã phải có vai trò cao hơn, cấp huyện cũng phải có trách nhiệm lớn hơn, không thể lệ thuộc vào cấp tỉnh như trước đây. Sau giai đoạn lúng túng, e dè, đến nay nhiều huyện đang rất hào hứng và có sự chủ động hơn. Về mặt chất lượng các sản phẩm được đánh giá, tuy huyện xét nhưng vẫn khá yên tâm bởi vẫn phải tuân theo các tiêu chí chung, về mặt quản lý Nhà nước cũng đã có sự kiểm tra, giám sát.
Với mục tiêu giai đoạn 2022-2025, tỉnh Thanh Hóa có ít nhất 559 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, thì việc phân quyền cho cấp huyện sẽ là một thuận lợi để hoàn thành. Theo đánh giá ban đầu, việc phân cấp sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự chủ động của cấp huyện, cấp xã trong việc hỗ trợ phát triển sản phẩm và tổ chức kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP.
Đồng thời, giúp nâng cao năng lực hỗ trợ các chủ thể của cán bộ quản lý OCOP cấp huyện, xã; tạo động lực để các chủ thể tiếp tục phát triển và nâng sao cho sản phẩm sau đạt chuẩn.
Hoài Thu