Nguyên nhân nông dân quay lưng với cây mía
Nguyên nhân chính xảy ra tình trạng trên là từ năm 2011 đến nay, giá mía nguyên liệu không ổn định và luôn đứng ở mức thấp, mía loại 10 chữ đường (10 CCS) chỉ dao động từ 885 - 992 đồng/kg. Trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp, công lao động, cước vận chuyển… năm sau cao hơn năm trước từ 10% trở lên.
Hơn nữa, các hộ trồng mía cho rằng, họ bị thiệt thòi do chữ đường trong cây mía ít khi đạt được 10 chữ đường (chỉ đạt từ 7 - 8), cứ giảm 1 chữ đường họ phải chịu mất thêm tiền; trong khi đó, việc định chữ đường đều do cán bộ nhà máy đường Trà Vinh quyết định…
Đất trồng mía trước đây, giờ nông dân thả bò hoặc trồng cỏ nuôi bò
Ông Nguyễn Văn Hòa (ngụ ấp Chợ, xã Lưu Nghiệp Anh, Trà Cú, Trà Vinh) cho hay: Vụ mía năm trước, mặc dù giá mía xuống thấp (750 đồng/kg) nhưng gia đình anh vẫn may mắn thu hồi được tiền vốn đầu tư. Anh vừa bán xong hơn 100 tấn mía với giá 650 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với năm ngoái.
Sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì anh lỗ gần 10 triệu đồng. Mặc dù bị thua lỗ nhưng xem ra anh Hòa vẫn còn may mắn hơn so với những hộ đã vay tiền từ ngân hàng để đầu tư sản xuất.
Một số diện tích bỏ hoang được người nước ngoài thuê lại để trồng chuối
Mùa thu hoạch năm nay, các công ty này đã đưa ra giá sàn thu mua mía từ 700 - 750 đồng/kg với chữ đường 10 CCS. Song, theo phản ánh của người dân thì có rất ít người bán được với giá trên. Nguyên nhân là do chữ đường phụ thuộc vào cách tính toán của công ty thu mua quyết định, còn người nông dân lại khá mơ hồ về điều này. Đã vậy, Công ty này còn lấy lý do trừ tạp chất, lượng phân tồn dư cao để đẩy giá xuống thấp khiến không ít bà con bức xúc… Với những cách thu mua nói trên thì tính ra người nông dân chỉ bán được mía với giá trung bình 600 - 650 đồng/kg.
Chính quyền địa phương ra tay “cứu” vùng mía.
Trước những khó khăn của nông dân, UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội nghị phát triển mía đường tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, Tổng Công ty mía đường I tiếp tục phát triển mía đường tỉnh Trà Vinh với mục tiêu: Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất mía đường của Tỉnh Trà Vinh hài hòa lợi ích có sức cạnh tranh và hiệu quả; phát triển diện tích toàn vùng nguyên liệu mía đạt trên 6.500 ha cho Công ty mía đường Trà Vinh; đầu tư vốn và ký hợp đồng đầu tư 100% diện tích theo quy hoạch được Tỉnh Trà Vinh phê duyệt; đẩy mạnh tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đầu tư thâm canh tăng năng suất mía bình quân đạt 125 tấn/ha, chất lượng mía đạt 11,5 CCS, sản lượng mía nguyên liệu đạt 780.000 tấn/năm, sản lượng đường các loại đạt 82.105 tấn; doanh thu mía nguyên liệu toàn vùng đạt 760 tỷ đồng, doanh thu sản phẩm đường đạt 1.108 tỷ đồng/năm, doanh thu người trồng mía đạt trên 122 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt từ 25-35%; đầu tư dự án nâng công suất Nhà máy đường Trà Vinh từ 2.650 tấn lên 5.000 tấn mía/ngày; phát điện sinh khối lên 25MW và dây chuyền sản xuất phân hữu cơ NPK dạng rời và dạng viên, công suất 50.000 tấn/năm; tổng mức đầu tư 978,5 tỷ đồng.
Cây bắp dần được nông dân thay thế cây mía dù hiệu quả kinh tế không cao, nhưng ít rủi ro
Tuy nhiên đó cũng chỉ dừng lại ở cấp độ hội nghị, còn thực tế thì đến nay Công ty mía đường Trà Vinh đã được cổ phần hóa thì “bài toán” mà chính quyền tỉnh Trà Vinh đã đặt ra liệu có còn khả thi?
Từ những thực trạng trên, thiết nghĩ Công ty mía đường Trà Vinh cũng cần có những chính sách trợ giá và thu mua mía với giá hợp lý, ổn định, tương xứng với công sức người dân bỏ ra.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, giá mía liên tục giảm sâu khiến không ít bà con nông dân đã dần quay lưng với cây trồng truyền thống này. Vấn đề đặt ra là, nếu người dân phá bỏ cây mía thì không biết thay thế bằng cây gì cho hiệu quả, trong khi vấn đề vốn đầu tư, kỹ thuật canh tác cây trồng khác cũng là vấn đề nan giải.
Người trồng mía rất mong các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương có những định hướng và giải pháp lâu dài để nông dân ổn định đời sống và làm giàu trên chính mảnh đất quê mình.
Cao Diên - Hải Dương