Toàn cảnh Diễn đàn: Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát (Ảnh: DĐDN)
Cần nhất sự ổn định chính sách
Tác động kép của đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng của một số cơ chế chính sách, đặc biệt là Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã khiến ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát gặp nhiều khó khăn.
Tại Diễn đàn: Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát tổ chức chiều 20/11, nhiều góc nhìn, ý kiến và đóng góp kiến nghị được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành.
Ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước Giải khát Việt Nam cho biết, ngành đồ uống nói chung và bia rượu thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn.
“Thực trạng ngành rượu bia hiện nay, do nhu cầu xã hội, sự cố gắng của DN, chính sách của nhà nước đã hài hòa, quan tâm tới ngành. Nhưng chính sách không khuyến khích rượu bia nên không tăng trưởng cũng không nộp được cho ngân sách nhà nước. Sản lượng bia năm 2019 có tăng nhưng năm 2020 giảm từ 10-20% dẫn đến thất thu ngân sách đáng kể”, ông Việt nói.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), doanh nghiệp rượu bia ngày càng phải đối diện với sức ép cạnh tranh lớn, thiên hướng tiêu dùng có thể thay đổi, kéo theo nhiều hệ lụy khó lường.
Mặc dù đang có sự tham gia của hơn 220.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp, đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 60.000 tỷ đồng mỗi năm, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ngành bia, rượu nước giải khát cho biết gặp nhiều khó khăn, rào cản trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành rượu bia, ông Phụng cho rằng, Nhà nước cần ổn định chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách thuế, tạo sự bình đẳng với các ngành khác trong việc tiếp cận nguồn lực chính sách.
Quốc hội, Chính phủ cũng chưa đặt ra vấn đề điều chỉnh thuế với ngành bia, rượu, nước giải khát. Nhưng vì sự phát triển của ngành hàng quan trọng, đóng góp cao cho ngân sách thì các doanh nghiệp và dư luận có thể bàn thảo trước các vấn đề liên quan của ngành.
Về vấn đề bình đẳng thuế, ông Phụng cho biết, sản phẩm trong nước và nhập khẩu hiện nay không có sự phân biệt. “Chúng ta có các Hiệp hội, tổ chức ngành hàng của các nhà đầu tư nước ngoài, thuế chúng ta bình đẳng trong xuất xứ, các sản phẩm cũng không phân biệt xuất sứ thành phần kinh tế, chúng ta có khung khổ pháp lý kiểm soát hoạt động kinh doanh minh bạch, đúng thị trường”, ông Phụng cho biết.
Tới đây, cơ quan thuế sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu tập hợp, các doanh nghiệp chưa được khấu trừ thuế hay chậm nộp thuế cũng sẽ được cơ quan thuế cung cấp thông tin để thực hiện hoàn tất thủ tục khai và nộp thuế, giảm trừ thuế…
Về Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hiện vẫn còn hiệu lực nhưng trước ngày 31/12/2020 phải thanh toán số thuế được giãn, do đó, doanh nghiệp phải thực hiện hoàn thuế như quy định.
Sự chủ động của doanh nghiệp
Tại Diễn đàn, chuyên gia kin tế Ngô Trí Long đưa ra kịch bản phát triển trung và dài hạn cho ngành bia rượu của Việt nam trong thời gian tới.
Kịch bản sự phát triển ngành bia rượu trung và dài hạn của cho ngành bia rượu trong thời gian tới phụ thuộc vào sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế Việt nam.
Kịch bản 1, nếu dịch bệnh trong nước được tiếp tục kiểm soát, dịch bệnh trên thế giới được đẩy lùi. Theo đó, các hoạt động dịch vụ, thương mại hàng hóa sẽ nhanh chóng được khôi phục trở lại. Sự kết nối lại chuỗi cung ứng sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ do lợi thế về kiểm soát sớm dịch bệnh. Với kịch bản này, tăng trưởng GDP năm 2021 dự kiến có thể đạt 6,5 - 7,5%.
Kịch bản 2, trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế và tiếp tục chịu ảnh hưởng đáng kể trong nửa đầu năm 2021. Sự hồi phục chậm của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước do Việt Nam có độ mở cửa lớn và đang tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Với kịch bản này, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 có thể đạt từ 5 - 6%.
Với sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo, nếu dịch bệnh trong nước được kiểm soát và thế giới đẩy lùi, cùng với việc thực hiện Luật phòng chống rượu bia thì kịch bản sự phát triển trung hạn của ngành bia rượu sẽ có sự phục hồi và tăng trưởng khoảng 3-3,5%, không như 5 năm gần đây (6,6%). Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp kịch bản sự phát triển của ngành bia rượu phục hồi chậm và tăng trưởng khoảng 2-2,5%.
Trong dài hạn, dự thảo “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030”, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Tuy kinh tế là đất nước đang phát triển đến năm 2030 có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 cố thu nhập cao, nhưng Kịch bản sự phát triển ngành bia rượu với chính sách Nhà nước không khuyến khích sử dụng bia rượu và nhân thức của người dân nhận ra tác hại của việc lạm dụng rượu bia thì kịch bản sự phát triển sẽ không như thời kỳ hoàng kim – sẽ tăng khoảng 4-4,5%/năm.
Để ứng phó với quy định nói trên, các doanh nghiệp sản xuất bia rượu cần tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc chi phí để duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn. Với đặc thù doanh nghiệp sản xuất bia có các chi phí đầu vào ổn định và không quá cao, thì việc tiếp tục cắt giảm chi phí nhân sự, marketing, quản lý doanh nghiệp sẽ là những vấn đề cốt lõi để gia tăng lợi nhuận.
Ông cho rằng, bản thân các doanh nghiệp ngành bia cần có những động thái điều chỉnh phương thức tiếp cận thị trường theo hướng sản xuất những dòng bia mới giảm sự ảnh hướng tới sức khỏe, hoặc có thêm những sản phẩm thay thế để tránh tác động từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Trần Nguyên