Doanh nghiệp… “sân sau”?

Công ty Lâm Linh, địa chỉ tại Tổ 21, đường Nắn Cải, Cầu Bo, phường Hoàng Diệu, TP. Thái Bình (tỉnh Thái Bình). Theo giấy phép đăng ký kinh doanh, công ty được thành lập năm 2008, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng và thi công san lấp mặt bằng.

 Tính đến nay, công ty đã 6 lần thay đổi giấy phép kinh doanh. Lần thay đổi giấy phép gần đây nhất là 2/12/2015. Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở KH&ĐT tỉnh Thái Bình ghi nhận vốn điều lệ đăng ký của công ty này là 25 tỷ đồng; người đại diện theo pháp luật là bà Hoàng Thị Bình, chức vụ Giám đốc.

Tỉnh Thái Bình: Cần xem xét lại năng lực của Công ty TNHH Lâm Linh - Hình 1

Gói thầu xây lắp hạ tầng Dự án quảng trường Thái Bình, nhiều hạng mục chưa hoàn thành, người dân tranh thủ thả bò...

PV tìm đến địa chỉ công ty, được biết, đây vừa là nhà riêng của vợ chồng bà Bình, vừa là nơi làm việc của Công ty Lâm Linh. Điều khá bất ngờ đó là công ty không hề có biển báo và những người dân gần đó nói "không biết công ty này hoạt động lĩnh vực gì"...

Tuy khá “kín tiếng”, nhưng Công ty Lâm Linh lại chính là đơn vị trúng thầu nhiều dự án trọng điểm của tỉnh Thái Bình (?!). Trong mấy năm qua, công ty này liên tục trúng các gói thầu to có, nhỏ có.

Năm 2014, công ty này trúng thầu Gói thầu số 09 xây lắp công trình hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư, khu dân cư và các công trình công cộng tại tổ 40 phường Hoàng Diệu với tổng mức đầu tư trên 12 tỷ đồng, thời gian thi công là 210 ngày; tiếp đó là Gói thầu xây lắp công trình hạ tầng quảng trường Thái Bình (thuộc Dự án quảng trường Thái Bình xây dựng tượng đài '"Bác Hồ với nông dân”) tại TP. Thái Bình với mức đầu tư trên 148 tỷ đồng, thời gian thi công là 710 ngày. 

Điều lạ là cả 2 gói thầu này, đều được UBND TP. Thái Bình phê duyệt quyết định trúng thầu cùng một ngày (4/12/2014) (?!).

Ngoài ra, trong năm 2014, Công ty Lâm Linh cùng một công ty khác còn được UBND tỉnh Thái Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng kinh doanh khu vui chơi thể thao (thuộc Dự án công viên Kỳ Bá). Đây cũng là một dự án trọng điểm của TP. Thái Bình, cũng như của tỉnh Thái Bình...

Thế nhưng, các dự án xây dựng, do Công ty Lâm Linh thực hiện lại khá ỳ ạch, đều không hoàn thành đúng tiến độ, thậm chí có dự án công ty này phải “chạy làng” và bị UBND tỉnh Thái Bình ra quyết định thu hồi giấy phép đầu tư đã cấp như Dự án công viên Kỳ Bá...

Tỉnh Thái Bình: Cần xem xét lại năng lực của Công ty TNHH Lâm Linh - Hình 2

Người dân tranh thủ trồng rau cải thiện đời sống tại Dự án công viên Kỳ Bá khi Công ty Lâm Linh... “chạy làng”

Trao đổi với PV về các dự án Công ty Lâm Linh đã và đang triển khai, ông Nguyễn Văn Triển, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng TP. Thái Bình (Ban QLDA) cho biết, Hạng mục san lấp mặt bằng, đắp núi cảnh quan giai đoạn 1, thuộc Gói thầu xây lắp công trình hạ tầng quảng trường Thái Bình có tổng số tiền là gần 165,2 tỷ đồng (trong đó theo hợp đồng là 148,868 tỷ đồng; bổ sung theo phụ lục hợp đồng 16,322 tỷ đồng). Đến thời điểm hiện tại, mới thanh toán cho đơn vị thi công là 54,1 tỷ đồng.

Đối với Dự án công viên Kỳ Bá, ông Triển thông tin: Năm 2014, Công ty Lâm Linh và Công ty TNHH Lương Mạnh Thắng lập Dự án đầu tư xây dựng công viên Kỳ Bá. Chúng tôi không phải là chủ đầu tư mà do 2 công ty này lập dự án xin đầu tư, sau đó họ làm việc trực tiếp với các sở, ngành và UBND tỉnh để xin triển khai dự án. Về phía Ban QLDA, chúng tôi chỉ được UBND tỉnh giao lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch dự án.

Năng lực thực sự của Công ty Lâm Linh ra sao?

Để rộng đường dư luận, PV xin đưa ra một số dự án, gói thầu, có sự góp mặt của Công ty Lâm Linh, vẫn trong tình trạng dang dở...

Tại Dự án công viên Kỳ Bá, ông Nguyễn Đỗ Chỉnh, Phó giám đốc Ban QLDA tiết lộ: 

"Sau khi 2 công ty (Công ty Linh Lâm và Công ty TNHH Lương Mạnh Thắng - PV) đầu tư được một số hạng mục vào năm 2014 - 2015 thì… bỏ dở, không triển khai. Đến năm 2016, UBND tỉnh Thái Bình đã có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của cả 2 công ty này.

Gói thầu số 09 xây lắp công trình hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư, khu dân cư và các công trình công cộng tại Tổ 40, phường Hoàng Diệu, do Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty Lâm Linh".

Ghi nhận của chúng tôi tại Dự án công viên Kỳ Bá cho thấy vẫn là bãi đất hoang sơ, chỉ có một số hạng mục thi công như hệ thống đường dạo, hệ thống thoát nước, bờ rào... nhưng vẫn ngổn ngang, cỏ mọc um tùm trong khuôn viên dự án và người dân đã “tranh thủ” dự án bỏ hoang để tận dụng trồng rau cải thiện đời sống.

Gói thầu xây lắp công trình hạ tầng quảng trường Thái Bình, ghi nhận vào ngày 14/4/2017, dự án mới chỉ thảm được một số diện tích đường nội bộ dạng thô, trồng được vài hàng cây xanh và đắp được 5 quả núi. Nhiều hạng mục chưa hoàn thiện như lát đá các tuyến đường dạo, đài phun nước và một số hạng mục khác vẫn đang thi công dở dang.

Dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư, khu dân cư và các công trình công cộng tại Tổ 40, phường Hoàng Diệu (TP. Thái Bình) cũng chung cảnh tượng như Dự án gói thầu xây lắp công trình hạ tầng quảng trường Thái Bình. Một số đường nhánh đấu nối với đường chính chưa xong, có đoạn lát vỉa hè nhưng đã xuống cấp, nền vỡ vụn sụp xuống cống thoát nước. Nhiều diện tích đất trong dự án vẫn là hồ nước thả vịt, chưa được san lấp, cỏ mọc um tùm…

 Tỉnh Thái Bình: Cần xem xét lại năng lực của Công ty TNHH Lâm Linh - Hình 3

Dự án công viên Kỳ Bá bỏ dở đã bị UBND tỉnh Thái Bình ra quyết định thu hồi giấy CN đầu tư

 Từ thực tế cho thấy, Công ty Lâm Linh trúng thầu thi công khá nhiều công trình trọng điểm. Tuy nhiên, dư luận thực sự quan ngại về năng lực, cũng như kinh nghiệm thực tế về thi công các công trình lớn, nhất là đối với các công trình văn hóa, công trình công cộng?

Trong quá trình triển khai Dự án công viên Kỳ Bá, UBND tỉnh Thái Bình đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư tại dự án này.

Vậy thì, với công trình có ý nghĩa chính trị và văn hóa như công trình quảng trường Thái Bình, xây dựng Tượng đài "Bác Hồ với nông dân"... thì liệu rằng, Công ty Lâm Linh có đủ năng lực để thực hiện, đảm bảo chất lượng công trình hay không?

 Phải chăng, chính quyền địa phương đã quá vội vàng khi giao cho một công ty chưa có bề dày thi công trong lĩnh vực Công trình văn hóa?

Thiết nghĩ, cần xem xét trách nhiệm liên quan trong công tác chấm thầu, khi mà Công ty Lâm Linh tham gia đấu thầu tại các dự án nêu trên. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình kiểm tra, làm rõ, cân nhắc khi lựa chọn nhà thầu!

Tại thời điểm 4/12/2014, khi Công ty Lâm Linh trúng thầu gói thầu Xây lắp công trình hạ tầng quảng trường Thái Bình, đơn vị này mới chỉ có chức năng xây dựng công trình công ích; đến lần đổi giấy phép kinh doanh gần đây nhất (2/12/2015), Phòng Đăng ký Kinh doanh (Sở KH&ĐT tỉnh Thái Bình) mới cấp bổ sung thêm chi tiết lĩnh vực hoạt động công ích là “xây dựng công trình văn hóa” vào giấy phép...

Linh Tuệ