Phối cảnh tổng thể dự án Bệnh viện 700 giường của tỉnh Nam Định.
Cụ thể, tại Kết luận thanh tra số 8530/BKHĐT-TTr ngày 12/11/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về những tồn tại của dự án này chỉ rõ:
Gói thầu BVH1 có giá trị 87,3 tỷ đồng do liên danh Công ty cổ phần xây dựng 504-Vinaconex (Vinaconex-504) và Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) cùng thực hiện.
Tại thời điểm thanh tra tháng 4/2010, Vinaconex-504 đã cơ bản hoàn thiện phần việc của mình còn UDIC, dù đã được tạm ứng và thanh toán 26,4 tỷ đồng, tương đương 91% giá trị hợp đồng nhưng sau 5 năm triển khai mới chỉ đạt hơn 22 tỷ đồng, dư ứng 4,3 tỷ đồng.
Mặc dù được ứng trước với giá trị lớn, sau 3 năm chậm tiến độ dự án vẫn chưa hoàn thành nhưng 2 nhà thầu vẫn được bù giá nhân công và máy thi công thêm gần 7 tỷ đồng.
Gói thầu BVH4 có giá trị 60,8 tỷ đồng. Một ngày sau khi kí hợp đồng, chủ đầu tư đã tạm ứng cho UDIC 4,2 tỷ đồng. Tuy nhiên sau 2 năm triển khai, đến thời điểm thanh tra, nhà thầu mới chỉ thực hiện được khoảng 1,3 tỷ đồng.
"Siêu dự án" đứng trước nguy cơ "không hẹn ngày về đích".
Nghiêm trọng hơn cả là tại gói thầu BVH2, Thanh tra bộ KH&ĐT khẳng định, Ban QLDA XD đã ứng trước cho nhà thầu UDIC khi không có khối lượng thực hiện, để UDIC sử dụng nguồn ứng trước Trái phiếu Chính phủ trong năm 2010 chưa đúng quy định, với số lượng tiền lớn và thời gian dài.
Cụ thể, từ ngày 29/12/2009 đến ngày 30/12/2010, Nam Định đã bạo tay chuyển cho UDIC hơn 94 tỷ đồng trong khi đơn vị này chưa xây được nổi một viên gạch nào. Đến thời điểm tháng 4/2014, cơ quan thanh tra kết luận: Nhà thầu đã không thực hiện dự án từ đầu năm 2013; Gói thầu này đã chậm tiến độ hơn 2 năm và sau 4 năm triển khai, giá trị khối lượng mới đạt được xấp xỉ 40 tỷ đồng, đương đương 35,18% giá trị hợp đồng.
“Mặc dù chậm tiến độ, nhưng nhà thầu lại được ứng trước khối lượng thực hiện lớn tương đương với 87,4% giá trị hợp đồng (dư ứng 56,2 tỷ đồng). Hơn thế nữa lại sử dụng nguồn vốn ứng trước của Trái phiếu Chính phủ trong năm 2010 để ứng trước khối lượng chưa thực hiện cho nhà thầu” – kết luận nêu rõ.
Hiện tại, dự án chỉ là một khối bê tông hoen gỉ, cỏ mọc um tùm, khiến dư luận không khỏi xót xa…
Trước thực trạng trên, câu hỏi được dư luận đặt ra là: Phải chăng Chủ đầu tư - UBND tỉnh Nam Định đã vung tiền bừa bãi cho nhà thầu nên mới bị “tuýt còi”, không được cấp vốn tiếp, chứ không phải là các vướng mắc mang tính thủ tục hành chính?
Bởi, việc chủ đầu tư ứng trước tới 87,4% giá trị hợp đồng khi nhà thầu còn chưa có khối lượng xây dựng là sai quy định (theo Kết luận thanh tra). Bên cạnh đó, việc cho ứng trước tiền và để nhà thầu “trây ì”, chậm tiến độ mà không biết làm thế nào lại càng sai. Đó là chưa kể vốn Trái phiếu Chính phủ phải rất thận trọng vì liên quan đến lãi suất…
Liên quan đến vấn đề này, trao đối với báo giới, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại cho rằng: Với dự án bệnh viện 850 tỷ đồng bỏ hoang, phải kiểm điểm chủ đầu tư đó chính là UBND tỉnh Nam Định, anh đề xuất làm dự án, rồi báo cáo cấp trên duyệt để làm, nhưng không hoàn thành được công trình đưa vào sử dụng thì anh phải chịu trách nhiệm.
Thực tế, chắc chắn do tỉnh chưa có nhu cầu, chưa cấp thiết cần có bệnh viện nhưng xin được dự án thì cứ xin, lấy được tiền về thì cho đấu thầu, cho làm, chia chác nhau tiền.
Cũng do không phải nhu cầu bức xúc nên không đôn đốc, kiểm tra, câu dầm, đến bây giờ vẫn chưa xong.
Kết luận thanh tra số 8503 năm 2014 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư nêu rõ việc “ứng trước cho nhà thầu UDIC khi không có khối lượng thực hiện, để nhà thầu UDIC sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ trong năm 2010 chưa đúng quy định, với số lượng lớn và thời gian dài tại gói thầu BVH2”.
Trước đó, Thương hiệu và Công luận đã thông tin, Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định có quy mô 700 giường được Chính phủ đồng ý về chủ trương vào tháng 10/2004. Đến ngày 27/2/2006, UBND tỉnh Nam Định ra Quyết định số 577/2006/QĐ-UBND, phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình này trên diện tích đất 9,3 ha thuộc địa bàn phường Lộc Hạ, TP Nam Định.
Dự kiến, khi hoàn thành, đây sẽ là bệnh viện lớn và hiện đại bậc nhất vùng nam đồng bằng sông Hồng, với tổ hợp các cụm nhà cao tầng có sân đỗ cho máy bay trực thăng, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân địa phương và các tỉnh lân cận. Đồng thời, có khoảng một nghìn cán bộ, nhân viên; có 34 khoa, phòng, trong đó có một khoa khám và điều trị ngoại trú; 22 khoa điều trị nội trú; 11 khoa nghiệp vụ kỹ thuật; bộ phận hành chính quản trị và hậu cần phục vụ.
Dưn án này do chính UBND tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư, với tổng mức vốn 598 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Tháng 11/2009, vốn đầu tư DA được điều chỉnh lên 850 tỷ đồng vì lý do thời gian thực hiện dài, giá nguyên vật liệu có nhiều thay đổi. Các bên trúng thầu là Vinaconex - 504 và Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC).
Công trình khởi công tháng 11/2007, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2011. Tuy nhiên, đã hơn 10 năm trôi qua, kể từ khi “bờ xôi ruộng mật” của người dân bị thu hồi phục vụ dự án, khiến cuộc sống vô cùng khó khăn do không còn đất canh tác. Những tưởng, tỉnh Nam Định sẽ đáp lại niềm mong mỏi của nhân dân bằng cách đẩy nhanh tiến độ dự án. Nhưng ngần ấy thời gian bị mất đất, cũng là bằng ấy ngày tháng người dân “xót xa” nhìn đất sản xuất biến thành… bãi chăn bò, nuôi cỏ...
Kiến nghị truy cứu trách nhiệm những tổ chức, cá nhân liên quan
Ngày 18/10/2017, Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng sau khi kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng khiến dư luận xã hội tại tỉnh Nam Định quan tâm đã có buổi công bố kết luận.
Trong đó, Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương kiến nghị tỉnh Nam Định tập trung xử lý, truy cứu trách nhiệm những tổ chức, cá nhân liên quan đến 9 vụ án, vụ việc có sai phạm nghiêm trọng trong tỉnh. Một trong 9 vụ án vụ việc trên là những sai phạm liên quan đến dự án Bệnh viện đa khoa 700 giường Nam Định.
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Tuấn Ngọc