"Biến thể mới đã di chuyển đến nhiều quốc gia khác và tiềm tàng ở đâu đó, chứ không phải chỉ từ Nam Phi. Và có thể chúng ta không tránh khỏi các trường hợp đi về từ nước ngoài mang theo biến chủng Omicron", Tiến sỹ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Ảnh internet.
Tuy nhiên, các trường hợp nước ngoài nhập cảnh mang theo biến chủng Omicron và lan cộng đồng hay không còn phụ thuộc vào việc chúng ta bao phủ vaccine thế nào, rà soát các ổ dịch ra sao. “Nếu rà soát kỹ như hiện tại hoặc làm tốt hơn thì chúng ta sẽ ngăn chặn được các trường hợp xâm nhập từ bên ngoài”, Tiến sỹ Thái phân tích.
Đưa ra các giải pháp cần làm để ứng phó với biến thể Omicron, theo Tiến sỹ Thái, Việt Nam cần chủ động rà soát, xét nghiệm kỹ các trường hợp từ bên ngoài về và ngay cả trong cộng đồng. Khi phát hiện người dương tính, chúng ta cần xét nghiệm ngay để giải trình tự gene xem chủng gì. Bên cạnh đó lực lượng chức năng cần theo dõi các ổ dịch không rõ nguồn lây để biết chủng đang lưu hành tại các ổ dịch đó.
Trước đó, ngày 25/11, Tổ chức Y tế thế giới thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2, tên gọi là Omicron (B.1.1.529) được ghi nhận tại một số quốc gia Nam Châu Phi như Nam Phi, Botswana.
Theo giới khoa học, Omicron phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24/11/2021 và có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2. Nó được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác.
Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay đến và đi từ các quốc gia gồm: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên. Bộ cũng đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19.
Q.N (t/h)