Hiện nay, trẻ được tiêm vaccine sởi mũi 1 vào lúc 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 vào lúc 18 tháng tuổi. Việc quy định độ tuổi tiêm như vậy dựa theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Nếu trẻ được tiêm 1 mũi thì khả năng miễn dịch sẽ đạt 80%-85% và đủ mũi 2 sẽ đạt 90%-95%.
(Ảnh minh họa)
Thế nhưng trên thực tế, thời gian qua tại các bệnh viện đã ghi nhận hàng trăm ca mắc sởi ở trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi, thậm chí có những trẻ mới chỉ 6 tháng tuổi, tức là chưa đến tuổi tiêm vaccine đã mắc bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, thông thường trẻ dưới 9 tháng tuổi sẽ được bảo vệ bởi kháng thể của mẹ truyền sang con. Tuy nhiên, các khảo sát gần đây cho thấy nhiều người mẹ không có miễn dịch với sởi, dẫn đến tình trạng nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc bệnh. Ngoài ra, có thể người mẹ có miễn dịch với sởi nhưng không cho con bú nên trẻ không được nhận đầy đủ miễn dịch từ mẹ.
Cũng vì vậy, vừa qua Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn nghiên cứu việc giảm độ tuổi tiêm chủng vaccine sởi ở trẻ. Từ đó, các chuyên gia đánh giá việc tiêm chủng vaccine sởi khi trẻ ở tháng tuổi thứ 6 vẫn bảo đảm về hiệu quả miễn dịch. Hiện hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đang xem xét nghiên cứu này.
Dựa trên nhưng kết quả nghiên cứu và thử nghiệm ban đầu, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngay từ cuối năm nay, thay vì tiêm vaccine sởi từ thời điểm trẻ 9 tháng tuổi, tại 17 tỉnh, thành có nguy cơ dịch sởi bùng phát sẽ thực hiện tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khuyến cáo những phụ nữ nên tiêm vaccine sởi - quai bị - Rubella ít nhất 3 tháng trước khi mang thai để phòng bệnh cho mẹ và con.
Bảo Ngọc T/h