Trả lời kiến nghị này, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Đà Nẵng cho biết đã xây dựng và trình UBND thành phố xem xét, trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 102/2017 ngày 7/7/2017 về việc thông qua “Đề án tăng cường vận tải công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố”. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã có Quyết định số 6778 ngày 5/12/2017 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án này giai đoạn 2018-2020.
Có nhiều lý do để các địa phương đi đến kế hoạch cấm xe máy trong đó có giảm nạn kẹt xe, hạn chế tai nạn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Trung cho biết theo lộ trình triển khai đã đề ra, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ triển khai Xây dựng và thực hiện Đề án kiểm soát việc phát triển phương tiện cá nhân (trong đó có phương tiện xe máy) nhằm hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên một số trục đường, một số khu vực tại trung tâm thành phố.
Trước mắt Đà Nẵng đang xúc tiến xây dựng, triển khai một số khu phố đi bộ, chợ đêm; trong đó, có cấm tất cả các loại phương tiện cơ giới lưu thông vào khu vực vào một khoảng thời gian nhất định.
Liên quan chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân, trao đổi cùng Diễn đàn Doanh nghiệp, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng - ông Tô Hùng nói: “Vấn đề giao thông đô thị là quan trọng nhất, cần làm như thế nào để thay đổi?”.
Hiện tốc độ di chuyển các phương tiện bình quân giờ cao điểm tại Đà Nẵng nhỏ hơn 17km/giờ, bằng với Hà Nội. Xe buýt mới chỉ đáp ứng 2% nhu cầu đi lại.
Đà Nẵng hiện có gần 950.000 xe, trong đó ô tô gần 74.000 chiếc. Trung bình, mỗi người dân sở hữu 1,2 phương tiện, cho thấy sự dư thừa. Xe máy chiếm tỉ lệ 92% và thống kê có 70% tai nạn giao thông là do xe máy.
“Rõ ràng chúng ta đang sống trong thời đại hiện đại, đô thị văn minh, phương thức giao thông phải khác. Từ thế kỷ 19 người ta đã tổ chức xe buýt rồi chứ không thể để đến thế kỷ 21 vẫn mỗi người một chiếc xe là cực kỳ lạc hậu. Vấn đề là phải thay đổi từ ý thức của người dân. Tất nhiên khi nói như vậy phải có giải pháp đồng bộ”, ông Tô Hùng nhìn nhận, “hạn chế sử dụng phương tiện này thì phải có một phương tiện khác. Để làm được việc này thì nhiều việc phải làm”.
Lệnh cấm xe máy lưu thông khiến bộ mặt giao thông của Yangon - Myanmar thêm phần ấn tượng, đường phố mặc dù không được đầu tư nhưng được đánh giá thông thoáng, sạch sẽ
Nói về Yangon - trung tâm kinh tế và là thành phố lớn nhất của Myanmar, dân số vào khoảng trên 4 triệu dân, lệnh cấm xe máy tại Yangon được thực thi vào năm 2003, dù có ý kiến cho rằng hệ thống giao thông công cộng của Myanmar lúc bấy giờ lạc hậu hơn Việt Nam. Toàn bộ khu vực nội thành Yangon không cho xe máy lưu thông với 2 lý do chính: để giảm mật độ giao thông và thu hút du lịch. Nhà chức trách nhận thấy xe máy là loại phương tiện nguy hiểm, gây mất mỹ quan đô thị. Chính phủ Myanmar cũng nói rằng cấm xe máy giúp hạn chế kẹt xe và giảm số vụ tai nạn giao thông.
Những năm gần đây, Yangon lại đối mặt với tình trạng xe hơi ngập tràn đường phố do hạ tầng giao thông của thành phố này không đáp ứng được. Tuy nhiên, giới chuyên gia nước này lại có những nhận định trái ngược nhau về đề xuất bỏ lệnh cấm xe máy.
Ông Jean-Marc Brule, thuộc tổ chức phi chính phủ Green Lotus -chuyên tư vấn chính sách bảo vệ môi trường ở Myanmar, kịch liệt phản đối việc cho phép xe máy trở lại đường phố Yangon. “Đó sẽ là một thảm họa. Bỏ lệnh cấm chỉ giúp giảm thiểu một ít tình trạng kẹt xe, nhưng sẽ gây ô nhiễm nhiều hơn. Điều này sẽ khiến ngày càng nhiều người muốn sở hữu xe máy, từ bỏ phương tiện giao thông công cộng”, ông Brule nói. Theo ông, giải pháp trước mắt giúp Yangon thoát khỏi “cơn ác mộng kẹt xe” giữa lúc hệ thống đường sá còn hạn chế là đa dạng hóa phương tiện giao thông công cộng.
Được biết, Hà Nội vào tháng 7/2017 cũng đã thông qua Nghị quyết đồng ý kế hoạch cấm xe máy ở một số nơi thuộc thủ đô vào năm 2030 nhằm nỗ lực giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Bảo Ngọc (t/h)