Chia sẻ trên mạng xã hội, phụ huynh có tên N.T.T.H có con học tại trường mầm non Hương Sen (Phú Lâm, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Hôm qua đón con, cô giáo lớp con đưa cho tờ này. Các cô gần như nài nỉ vì thành tích lớp. Mình nói luôn là không đồng ý, còn vì thành tích lớp chị ký hay không để còn suy nghĩ”.
Phiếu đăng ký gửi tới các phụ huynh của Đề án Sữa học đường
Nói thêm về lý do, phụ huynh cho biết: “Thứ nhất, về mặt chất lượng, ai đảm bảo chất lượng sữa hàng ngày có phải là hàng cận date mà các hãng sữa ế (họ đã và đang làm), đẩy vào trường học tiêu thụ, vừa được tiếng tài trợ, vừa bán được hàng. Nếu con số gần 70.000 đồng 1 học sinh 1 tháng, nhân lên cả nước thì con số chắc khủng khiếp. Thứ hai, với những bé bị dị ứng sữa thì hiển nhiên không được uống vì rất nguy hiểm, mà lớp có bạn không uống thì sẽ mất thành tích của lớp, rõ ràng mâu thuẫn. Thứ ba, về mặt kinh tế, nhà có điều kiện thì về thành tích, tháng tính ra chưa đến 70.000 đồng thì như “muỗi đốt inox”, nhưng với gia đình có hoàn cảnh khó khăn như làng quê nghèo, dân tộc thiểu số các em đi học mang theo cơm nắm muối vừng (đầy nơi vậy và các nhà hảo tâm vẫn kêu gọi chương trình cơm cá cho con, cơm có thịt..). Ngày cơm không đủ ăn thì tháng 70.000 đồng đối với gia đình cũng là một khoản khá lớn, đặc biệt nếu gia đình có 2-3 trẻ đi học, chưa kể ti tỉ thứ đi học phải nộp. Vậy chương trình không đồng bộ trên cả nước về mặt kinh tế thì các trường có học sinh không uống sữa vẫn không có thành tích mà nhỉ. Chả nhẽ vì học sinh không có tiền uống sữa lớp, trường, huyện, tỉnh đó không hoàn thành chương trình sữa học đường thì không có thành tích à. Thứ tư, với các con học bán trú sữa đã có trong thực đơn hàng ngày, hỏi mấy mẹ, cô bảo uống bữa sáng sau ăn sáng thế những bé bữa sáng uống sữa đi học đến lớp lại uống tiếp à? Nhồi nhét vào lúc nào nữa”.
Chia sẻ của phụ huynh trên mạng xã hội
Bên cạnh đó, khá nhiều phụ huynh có con học mầm non, tiểu học, chia sẻ thêm về những “bất cập” của đề án này khi triển khai. Chị T.T.T.H chia sẻ: “Giờ thiếu gì sữa ngon, quan trọng con có hợp và thích sữa đó không, 70.000 đồng không nhiều nhưng sức khoẻ của con thì em cần an tâm”. Chị Đ.V.M.A cũng chia sẻ :”Giờ lo không biết chất lượng sữa ra sao. Hỏi cô thì cô bảo chưa biết hãng sữa nào?”.
Chị N.N nói: “Chị cũng không đăng ký. Đơn giản chị không tin tưởng vào chất lượng sữa. Bữa cơm trưa không thể mang được đến cho con thì đành chịu nhắm mắt làm ngơ khi nhà trường cho con ăn gì thì ăn. Chuyện con uống sữa bố mẹ can thiệp được. Sữa con uống mỗi lần mình đi mua còn nhấc lên nhấc xuống xem kỹ mẫu mã chuẩn chưa, date còn xa không, chứ mấy cái chương trình này nếu không bieeta sữa có bảo đảm chất lượng, sữa cận date, hết date? Bao nhiêu vụ rồi, cứ cảnh giác thôi. Đến thuốc chữa bệnh ung thư mà còn cho lưu hành thuốc giả nữa là bộ giáo dục can thiệp và chuyện sữa để bắt tay với doanh nghiệp. Vẽ voi nhưng thực ra là đuôi chuột cả”. “Mình không đăng ký là đi ngược lại mong muốn của nhà trường đấy, nhà trường thì ép chỉ tiêu cho các cô...nên cũng hơi khó xử. Bố cháu thì sợ con bị trù, rồi đến giờ các bạn được uống, chả nhẽ con mình không uống? Chị chỉ sợ con mình bị cô ghét thôi chứ sữa thì ngày nào trong cặp con chả được nhét 2 hộp sữa mà có bao giờ thấy các cô cho con uống đâu”, chị N.N nói thêm.
Một tài khoản Facebook khác chia sẻ: “Ban đầu em cũng không đồng ý. Nhưng các cô ở trường không cho con mang sữa đi. Mà con em nó thích sữa lắm, nếu cả lớp các bạn ngồi uống sữa mà con em ngồi nhìn, chắc chắn không chịu được. Nên em quyết định kí, kí xong là áy náy cả ngày chị ạ. Chỉ mong sao có các cô chọn sữa chuẩn cho con thôi ạ”.
Theo tìm hiểu, với đề án sữa học đường, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học sẽ được uống sữa tươi 5 lần/ tuần (tức mỗi ngày một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml. Chi phí cho mỗi hộp sữa sẽ được ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh đóng góp 50%. Riêng đối với trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách, ngân sách sẽ hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ 50%. Theo thông báo của nhiều trường tiểu học, mỗi hộp sữa sẽ có giá 6.800 đồng, mỗi ngày các bé uống 1 hộp.
Liên hệ với trường Mầm non Hương Sen, nơi phụ huynh có con theo học phản ánh, cô giáo Trần Thị Thanh Nhàn, Hiệu truởng trường Mầm non Hương Sen cho biết: “Đúng là các cô có phát phiếu đăng ký cho con uống sữa theo đề án Sữa học đường theo chỉ đạo từ Sở Giáo dục và đào tạo. Đây là mẫu phiếu chung cho toàn thành phố, các cô thực hiện theo đúng như chỉ đạo, không làm sai điều gì”.
Trường mầm non Hương Sen có địa chỉ tại số 9, Ngõ 6 Tổ Dân Phố số 5, Phú Lâm, Hà Đông, Hà Nội
Nói thêm về phản ánh của phụ huynh cho rằng các cô gần như nài nỉ phụ huynh đăng ký vì thành tích trong khi phụ huynh không biết đó là sữa gì, chất lượng ra sao, cô Nhàn cho biết không hề có chuyện đó, hoàn toàn là tự nguyện. Với những phụ huynh đã đăng ký rồi, nếu triển khai thấy loại sữa đó không hợp với con hoàn toàn có thể huỷ đăng ký. Đến thời điểm hiện tại, trường Mầm non Hương Sen có 200 phụ huynh đăng ký cho con uống sữa theo đề án, 100 phụ huynh không đăng ký.
Nói thêm về phản ánh của phụ huynh, cô Nhàn cho rằng chắc có sự hiểu lầm gì ở đây. Có thể, các cô giáo nói chưa khéo nên phụ huynh hiểu như vậy. Thêm nữa các cô quá bận nên thời gian để lắng nghe thông tin triển khai không có nhiều. Nhà trường xin nhận lỗi và sẽ kiểm điểm lại nếu như có cô giáo nào triển khai như vậy.
Cô Nhàn cho biết thêm, theo thông báo từ cấp trên thì hiện Hà Nội đã có hai công ty sữa đủ điều kiện thực hiện chương trình Sữa học đường, tuy nhiên cô cũng chưa biết đó là hãng sữa nào.
Trao đổi thêm với phóng viên sau đó, cô Nhàn khẳng định đã kiểm tra và cho biết không hề có cô giáo nào ép buộc phụ huynh phải kí vào phiếu đăng ký, chương trình này là hoàn toàn tự nguyện.
Những lo lắng về chất lượng sữa của phụ huynh là hoàn toàn có căn cứ bởi hồi đầu năm, tại Đồng Nai đã tạm dừng triển khai đề án Sữa học đường để chờ kết luận của các cơ quan chức năng về vụ 73 học sinh nghi ngộ độc sữa. Trước đó, vào ngày 2/3, sau khi uống sữa buổi sáng, 73 học sinh Trường mầm non Phú Lộc và Trường tiểu học Phạm Văn Đồng (xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, Đồng Nai) có biểu hiện đau bụng, nôn ói. Những học sinh này sau đó phải nhập viện cấp cứu.Lực lượng chức năng sau đó vào cuộc kiểm tra, lấy mẫu sữa xét nghiệm, làm rõ vụ việc.
Trúc Mai