Nhà sách Tiền Phong chi nhánh Hải Phòng
Nhà sách Tiền Phong chi nhánh Hải Phòng. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Nhà sách Tiền Phong  thương hiệu được tin dùng

Để có chỗ đứng và tạo dựng lên thương hiệu nhà sách Tiền Phong như ngày hôm nay là nhờ sự tin yêu của người tiêu dùng, cùng với sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ nhân viên nhà sách Tiền Phong đã đưa những sản phẩm uy tín, chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Với bộ 5 giá trị cốt lõi: Lấy con người làm trung tâm - Lấy công nghệ làm nền tảng - Lấy hiệu quả làm mục tiêu - Lấy sự quyết liệt làm tiêu chí hành động - Lấy minh bạch làm phương châm hoạt động, Công ty cổ phần Tiền Phong hiện đang sở hữu chuỗi 9 nhà sách Tiền Phong tại 5 tỉnh thành gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa và Thái Nguyên.

Tại bài viết “Công ty Tiền Phong 20 tuổi” của tác giải Trần Đức An đăng trên trang web của công ty có viết: “Nhà sách Tiền Phong đã là thương hiệu, là địa chỉ biết nói, nó không chỉ là niềm tự hào của Công ty Tiền phong mà là của cả báo Tiền Phong. Doanh thu của Công ty Tiền phong chủ yếu là từ hệ thống Nhà sách Tiền Phong”.  Đúng vậy, nhà sách Tiền Phong khai trương vào ngày 21/10/1999 trong sự hân hoan chào đón của các cấp lãnh đạo và nhân dân lúc bấy giờ.

Nhà sách là niềm tự hào của Công ty cổ phần Tiền Phong, mang lại nguồn doanh thu chủ yếu nhưng thời gian gần đây tại nhà sách Tiền Phong chi nhánh Hải Phòng lại liên tục bị phản ánh bày bán nhiều sản phẩm 100% chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ Tiếng Việt, một số sản phẩm sách tham khảo không rõ ràng.

Những thiếu sót cần được điều chỉnh tại nhà sách Tiền Phong

Sản phẩm 100% chữ nước ngoài, không có nhãn phụ được bày bán tại nhà sách Tiền Phong
Sản phẩm 100% chữ nước ngoài, không có nhãn phụ Tiếng Việt được bày bán tại nhà sách Tiền Phong chi nhánh Hải Phòng. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Tại Hải Phòng, nhà sách Tiền Phong có hai cơ sở tại số 55 Lạch Tray và 268 Trần Nguyên Hãn. Đối tượng nhà sách hướng tới là thanh thiếu nhi. Chính vì vậy, cả hai cơ sở trên đều bày bán các mặt hàng văn phòng phẩm, đồ lưu niệm, sách vở, truyện tranh, bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập,.... 

Sản phẩm 100% chữ nước ngoài không có nhãn phụ tại nhà sách Tiền Phong chi nhánh Hải Phòng
Sản phẩm 100% chữ nước ngoài không có nhãn phụ Tiếng Việt tại nhà sách Tiền Phong chi nhánh Hải Phòng. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Theo phản ánh của anh Tr.Ng.T sống tại quận Lê Chân cho biết: Nhà sách Tiền Phong trước đây chỉ có một cơ sở tại mặt đường Lạch Tray, mấy năm gần đây mở thêm cơ sở tại tòa nhà BDCC số 268 Trần Nguyên Hãn. Nhà sách có đầy đủ các sách, vở, văn phòng phẩm phục vụ cho việc học tập của các cháu và còn có đồ chơi, truyện tranh, đồ lưu niệm nên trẻ rất thích. Tuy nhiên, nhiều lần tôi đưa con đi mua sắm tại đây thấy tại nhà sách có sản phẩm 100% chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ như: Hộp màu vẽ, kéo, gọt bút chì, bút xóa, ba lô,... Đặc biệt, cùng một loại sách tham khảo nhưng có 2 cách in ấn trang bìa khác nhau làm tôi hoài nghi có thể là sách in lậu”, anh T cho biết.

Rất nhiều sản phẩm dành cho trẻ nhỏ 100% chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ
Rất nhiều sản phẩm dành cho trẻ nhỏ 100% chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ Tiếng Việt. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Nhà sách Tiền Phong cần sớm khắc phục những tồn tại

Mục sở thị tại hai cơ sở của nhà sách Tiền Phong tại số 55 Lạch Tray, Ngô Quyền và 268 Trần Nguyên Hãn, Lê Chân, Hải Phòng đúng như phản ánh. Tại đây, nhiều sản phẩm có 100% chữ nước ngoài không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt thể hiện các thông tin về sản phẩm theo quy định pháp luật khiến người tiêu dùng không khỏi hoài nghi về nguồn gốc sản phẩm đang bày bán tại nhà sách.

Đồ chơi trẻ em bày bán tại nhà sách Tiền Phong chi nhánh Hải Phòng
Đồ chơi trẻ em bày bán tại nhà sách Tiền Phong chi nhánh Hải Phòng. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa thì “Nhãn phụ sử dụng đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định này.”

Và Khoản 3 Điều 7 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định như sau: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.”

Căn cứ Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP thì hành vi không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt vào hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài là hành vi vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa.

Như vậy, hành vi không dán nhãn phụ rất có thể sẽ bị phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Ngoài ra, tại nhà sách cũng bày bán mặt hàng ba lô, túi xách nhưng lại có một số sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới như Nike, Adidas,...

Sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới như Nike, Adidas
Sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới như Nike, Adidas. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Người tiêu dùng khó khăn tiếp cận thông tin sản phẩm

Tìm hiểu về sách tham khảo nhưng có 2 cách in ấn trang bìa khác nhau làm người tiêu dùng hoài nghi có thể là sách in lậu. Được biết, đó là các sản phẩm sách do nhà sách Hồng Ân giữ bản quyền công bố tác phẩm, chịu trách nhiệm trình bày bìa và chế bản. Một số sản phẩm sách xuất hiện sự không trùng khớp. Cụ thể, tại trang bìa 4 của sách có ghi:  Để xác định sách chính phẩm chúng tôi in chìm ở bìa 1 và bìa 4 chữ : “ NS. HỒNG ÂN”.  Tuy nhiên, tại giá sách của nhà sách Tiền Phong lại xuất hiện nhiều quyển sách do nhà sách Hồng Ân chịu trách nhiệm trình bày bìa và chế bản lại không có in chìm ở bìa 1 và bìa 4 chữ: “NS. HỒNG ÂN” xếp ngay ngắn cùng những quyển sách cùng loại có in chìm ở bìa 1 và bìa 4 chữ: “NS. HỒNG ÂN”. Điều này khiến phóng viên cũng như người tiêu dùng không khỏi hoài nghi về nguồn gốc của những quyển sách này?.

Một số sản phẩm tại nhà sách Tiền Phong do nhà sách Hồng Ân chịu trách nhiệm trình bày bìa và chế bản lại không có in chìm ở bìa 1 và bìa 4 chữ: “NS. HỒNG ÂN”
Một số sản phẩm tại nhà sách Tiền Phong do nhà sách Hồng Ân chịu trách nhiệm trình bày bìa và chế bản lại không có in chìm ở bìa 1 và bìa 4 chữ: “NS. HỒNG ÂN”. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Nhằm xác minh thông tin về nguồn gốc sản phẩm của nhà sách Hồng Ân bị nghi ngờ là sách in lậu phóng viên đã liên lạc với lãnh đạo nhà sách Tiền Phong và được biết: Vì một số lý do khách quan trong sản xuất, đồng thời để đáp ứng yêu cầu về thời gian hoàn thiện sản phẩm phục vụ kịp thời cho các em học sinh bước vào năm học mới nên phía nhà sách Hồng Ân đã chưa thể hoàn thành việc in chìm ở bìa 1 và bìa 4 đối với một số tựa sách.

Cho rằng nhà sách Hồng Ân là vì lý do khách quan nên đã không thể hoàn thiện trang bìa 1 và 4 chữ chìm: “NS. HỒNG ÂN” thì đây chính là lý do khiến người tiêu dùng đang rơi vào ma trận sách thật, sách giả. Bởi chính nhà sách Hồng Ân đã đưa ra quy ước để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết sách chính phẩm, hạn chế tình trạng in giả, in lậu, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng rồi tự mình phá vỡ quy ước. Đây chính là cơ hội cho những cá nhân, tổ chức lợi dụng, trục lợi trà trộn gây hoang mang cho người tiêu dùng và khó khăn cho các cơ quan quản lý khi xác định chính phẩm và sách lậu.

Theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Đối với vi phạm về tàng trữ và phát hành xuất bản phẩm, sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm, căn cứ theo Điều 27 của Nghị định số 159/2013/NĐ-CP .

Về xử phạt hành vi buôn bán sách lậu: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép… từ 300 bản trở lên. Theo quy định tại Điều 344 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 cũng quy định tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản.

Với tuổi đời gần 25 năm tuổi nhà sách Tiền Phong đã và sẽ luôn là sự lựa chọn, là thương hiệu, là địa chỉ biết nói trong lòng người tiêu dùng nếu chính nhà sách có sự kiểm soát nghiêm ngặt với những sản phẩm của mình trước khi trao đến tay người tiêu dùng. Trước đó, phóng viên đã đi thực tế tại nhà sách Tiền Phong và phát hiện ra một số bất cập tại đây. Phóng viên đã thông báo đến Nhà sách, mong nhà sách khắc phục. Nhưng đến nay (khi phóng viên đi thực tế lại) tình trạng bất cập đó vẫn tồn tại. Rất mong nhà sách thực hiện đúng quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. 

Quỳnh Nga