Lẩu mắm
Lẩu mắm được chế biến chủ yếu từ mắm. Một nồi lẩu mắm đúng điệu miền Tây sẽ bao gồm mực, tôm, cá, các loại rau, mắm cá sặc và mắm cá linh. Mắm cá được ủ trong những chiếc lu sành trong khoảng thời gian dài để dậy vị và ngấm mùi. Lúc nấu lẩu thì pha loãng cho vào hầm cùng phần nước súp được ninh từ xương heo. Vị nước dùng ngọt ngào, thanh mát cùng mùi mắm đặc trưng.
Trong nồi lẩu mắm còn có cà tím, khổ qua, nấm… góp phần làm cho màu sắc món ăn thêm phần hấp dẫn và ăn không ngấy.
Người miền Tây thường nấu lẩu mắm để tiếp đãi bạn bè phương xa ghé chơi hay du lịch miền Tây. Hương vị độc đáo của món ăn này khiến nhiều thực khách xiêu lòng, đi rồi vẫn lưu luyến.
Cháo cua đồng
Cháo cua đồng có tác dụng thanh mát, món này khá phổ biến vào mùa hè nóng nực. Cháo cua đồng ăn kèm với trứng vịt lộn, thêm ít rau ngót, rau má, rau đay, mồng tơi, cải xanh, mướp hương. Vị béo của cua đồng cùng hương vị của các loại rau tạo nên điểm khác biệt trong ẩm thực miền Tây mà không phải nơi nào cũng có được.
Cá lóc hấp bầu
Nghe tên có vẻ hơi lạ nhưng đây được xem là một trong những món ăn ngon nhất được chế biến từ cá lóc. Cá lóc tươi ngon, thịt ngọt thanh, mềm đem hấp cùng bầu thơm sẽ tạo nên một món ăn dân dã nhưng để lại hương vị lại khó quên.
Cá lóc hấp bầu là món ăn chơi. Khi ăn sẽ ăn cùng bánh tráng, rau xà lách, rau thơm, húng quế… chấm cùng nước mắm chua ngọt. Vị ngọt của bầu hòa quyện cùng vị ngọt của thịt cá sẽ khiến du khách cảm thấy hài lòng.
Chuột đồng nướng
Ở Nam Bộ, chuột đồng được coi là đặc sản nổi tiếng. Chuột đồng xuất hiện nhiều ở các đồng lúa, người dân bẫy được đem về làm món ăn. Chuột đồng ở đây chủ yếu ăn lúa nên thịt béo ngọt, giống thịt gà. Món được yêu thích nhất phải kể đến là chuột đồng nướng muối ớt.
Thịt chuột làm kỹ, khử hết mùi tanh bằng gừng với muối rồi đem ướp muối, đường, tỏi, ớt. Đợi thịt thấm thì đem nướng trên lửa than. Khi thịt chuyển sang màu đỏ vàng là lúc hương thơm tỏa ra. Khi ăn có thể xé từng miếng thịt chuột nướng nóng hổi chấm với muối ớt chanh để tăng thêm vị đậm đà. Món ăn được dùng để nhậu hoặc ăn kèm với cơm trắng.
Đuông dừa
Được coi là món đặc sản trứ danh ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đuông dừa là loại ấu trùng sinh sống chủ yếu trên thân cây dừa. Thịt đuông dừa béo ngọt và nhiều chất protein.
Đuông dừa có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon như đuông dừa tẩm nước mắm, đuông dừa luộc nước dừa, đuông dừa lăn bột chiên, đuông dừa rang mặn, đuông dừa nướng, đuông dừa nấu xôi… trong đó đuông dừa chiên giòn chắc là món dễ ăn nhất. Bởi vì món này chỉ có duy nhất ở miền Tây nên nếu có dịp đến đây, du khách đừng bỏ qua nhé.
Lẩu cá linh bông điên điển
Đây là món ăn tiêu biểu cho Đồng bằng Sông Cửu Long với nguyên liệu toàn là những thứ có sẵn của miền quê sông nước. Cá linh ngon là cá lúc đầu mùa nước nổi, xương chưa cứng và bụng cá có mỡ ăn rất béo. Bông điên điển là loại bông gắn liền với miền Tây với màu vàng tươi, mọc tràn ngập khắp các đầm lầy, mé sông, ruộng nước. Bông điên điển có vị vừa giòn vừa thơm, lại bùi bùi béo béo nên người miền Tây rất thích.
Hai nguyên liệu này kết hợp với nhau tạo thành nồi lẩu cá linh bông điên điển với vị mềm béo, ngọt ngào, lại hơi lạ miệng. Nước dùng thường được ninh từ xương cá, xương heo hoặc nấu bằng nước dừa nên có màu trong, vị lại ngọt thanh. Ngoài ra, món này còn có thêm các loại rau như bông súng, ngò gai, rau nhút… Có thể ăn kèm với cơm trắng hoặc bún tươi. Lẩu cá linh bông điên điển rất dễ ăn kể cả cho những thực khách khó tính nhất. Chỉ khi đến miền Tây bạn mới có cơ hội nếm đúng vị món ăn này.
Hủ tiếu Sa Đéc
Hủ tiếu Sa Đéc cũng là món ngon miền Nam nổi danh. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, ghé thăm Sa Đéc mà chưa ăn hủ tiếu thì coi như chưa đến nơi này. Hủ tiếu Sa Đéc có nước dùng trong, vị ngọt thanh từ nước hầm xương. Sợi hủ tiếu trắng, ngọt mềm, không bị chua. Ngoài ra, một tô hủ tiếu còn có đa dạng nguyên liệu như tôm, thịt bằm, xá xíu, gan heo,... và các loại rau thơm, giá,...
Bún kèn Phú Quốc
Những ai có cơ hội du lịch Phú Quốc, hãy nhớ thưởng thức món bún kèn, đây cũng là một trong những món ngon miền Nam khá nổi tiếng. Nước dùng bún được nấu từ cá luộc, nước cốt dừa và các loại gia vị như bột cà ri, ngũ vị hương. Tất nhiên, nguyên liệu không thể thiếu của món bún này chính là cá xay xào sả ớt.
Bún quậy Phú Quốc
Bún quậy Phú Quốc có cái tên độc lạ, gây ấn tượng với nhiều người. Sở dĩ có tên gọi này bởi vì trước khi ăn tô bún thì bạn tự "quậy", tức là tự lấy nguyên liệu, tự pha chế nước chấm, tự phục vụ. Bún quậy Phú Quốc vốn có nguồn gốc từ Bình Định, là một loại bún tươi hải sản, sau đó được người dân địa phương biến tấu theo công thức riêng và trở thành đặc sản của vùng này. Bún quậy Phú Quốc có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt với các nguyên liệu tôm, mực, chả cá, rau sống,... Món ăn bình dân nhưng lại là món ngon miền Nam mà bạn nhất định phải thử khi đến đây.
Gỏi cá trích Phú Quốc
Gỏi cá trích không chỉ là món ngon miền Nam mà miền Bắc hay miền Trung đều có. Tuy vậy, gỏi cá trích Phú Quốc lại có hương vị rất đặc biệt. Nguyên liệu cá trích được đánh bắt ở vùng biển Phú Quốc, rất tươi ngon, thịt cá ngọt. Cá sau khi sơ chế sẽ được trộn đều với cà rốt thái sợi, hành tây thái mỏng, dừa nạo sợi, tỏi phi vàng, ngò rí,... Nước sốt đặc biệt được pha chế từ giấm ổi chín, đường, muối, ớt,...
Sủi cảo tại Sài Gòn
Ảnh hưởng của ẩm thực Trung Hoa, người dân Sài Gòn đã biến tấu nên nhiều món ăn mang màu sắc riêng. Trong đó, sủi cảo cũng được biết đến như một món ăn miền Nam mà ai ăn thử cũng đều mê. Bánh sủi cảo mỏng dai, nhân tôm thịt do người gốc Hoa nhào nặn. Nước dùng để ăn với sủi cảo được hầm từ xương ống và củ cải trắng nên có vị ngọt thanh, ngon nhức nhối.
Phá lấu Sài Gòn
Dạo quanh Sài Gòn, bạn rất dễ bắt gặp những hàng quán bán phá lấu. Đây cũng là món ngon miền Nam mà biết bao thế hệ đều ưa chuộng. Phá lấu được chế biến từ lòng bò, lòng heo, dạ dày, lá sách,... Để dậy mùi thơm, phá lấu được nấu với nước dừa cùng các loại gia vị, thuốc bắc,... Một bát phá lấu sóng sánh với màu nâu cánh gián ăn kèm bánh mì nóng hổi, giòn rụm không một ai có thể chối từ.
Cá lóc nướng trui Cần Thơ
Món ngon miền Nam không thể không có cá lóc nướng trui. Nếu có dịp đến Cần Thơ, bạn nhất định phải thử món ăn này. Cá lóc nướng trui được chế biến từ cá lóc đồng và nướng bằng rơm. Cá lóc chín dậy mùi thơm nức. Sau khi nướng chín, cá lóc được xẻ thịt và rưới mỡ hành, đậu phộng lên trên. Thịt cá lóc mềm, ngọt tự nhiên được cuốn bánh tráng kèm rau sống, chấm mắm nêm, chắc chắn càng ăn càng nghiện.
Bánh đúc lá dứa Cần Thơ
Trong các món ngon miền Nam thì bánh đúc lá dứa Cần Thơ cũng được nhiều người biết đến. Bánh đúc mềm mại, có màu xanh mà thoảng mùi thơm của lá dứa. Để món ăn thêm tròn vị, bạn hãy rưới thêm nước cốt dừa thơm lừng, béo ngậy cùng đậu phộng giã nhuyễn. Có thể thấy, bánh đúc lá dứa là món ăn dân dã, gắn liền với tuổi thơ của bao người dân Cần Thơ và cũng là món bánh đặc sản mà ai cũng nên thử một lần
Bánh xèo Cần Thơ
Thêm một món ngon miền Nam được rất nhiều du khách không ngớt lời khen là bánh xèo Cần Thơ. Bánh xèo có vỏ vàng ươm, giòn rụm với lớp nhân bên trong có thịt heo, thịt gà, tôm, tép, đu đủ, đậu xanh,... Để tăng hương vị, chống ngán, bánh xèo thường được ăn kèm với rau rừng và nước mắm chua ngọt.
Bánh cống Cần Thơ
Bánh cống Cần Thơ - nghe cái tên cũng thật lạ nhưng nguyên liệu món ăn lại rất quen thuộc, bao gồm bột gạo, bột nếp, đậu xanh, tôm, thịt,... Bánh cống chiên chín vàng, giòn đều được ăn với rau sống chấm nước mắm chua ngọt. Với người dân Cần Thơ thì bánh cống là một thức quà ăn vặt vào buổi chiều và cũng là món ngon miền Nam mà nhiều khách du lịch tìm kiếm để thưởng thức.
Bánh tầm Cà Mau
Cà Mau là vùng đất tận cùng phía nam của tổ quốc nổi tiếng với món bánh tầm. Chính bởi hương vị thơm ngon nên món ngon miền Nam này cũng rất được lòng nhiều du khách khi đến đây. Bánh tầm còn có tên gọi khác là bánh tằm bởi sợi bánh được làm từ bột gạo, có hình dạng như những con tằm. Sợi bánh dai dai mềm mềm được ăn với sốt cà ri gà, thịt gà, xíu mại, giá đỗ, rau húng quế, muối tiêu chanh. Sự kết hợp của các hương vị mặn ngọt, chua, cay khiến bạn có thể ăn no mặc không hề ngán.
Cua đá rang muối Cà Mau
Cà Mau vốn nổi tiếng với món cua đá tươi ngon. Loại cua này thường sống ở những gành đá, bãi đá, cửa sông thông ra biển. Cua đá có thể chế biến thành nhiều món ăn, trong đó cua đá rang muối cũng được đưa vào danh sách các món ngon miền Nam mà khách thập phương đến đây đều muốn thưởng thức. Rang muối giúp hạn chế được sự tác động của nhiệt vào bên trong nên thịt cua giữ được vị ngọt, thịt dai chắc, có chút bùi, béo. Cua đá rang muối sẽ trở nên ngon hơn khi ăn kèm với muối tiêu chanh.
Bún cá Châu Đốc
Món ngon miền Nam khác không thể không nhắc đến ở đây chính là bún cá Châu Đốc. Thực ra, đây là món ăn có nguồn gốc từ Campuchia, sau đó được biến tấu để phù hợp hơn với khẩu vị người dân địa phương. Bún cá Châu Đốc được nấu từ cá lóc đồng, thịt cá chắc, ngọt tự nhiên và củ ngải bún, mắm ruốc. Bởi vậy, nước dùng bún rất đậm đà, có mùi thơm đặc trưng mà không tanh, được ăn với bún và các loại rau như bắp chuối, rau muống bào, bông điên điển,...
Gà đốt Tri Tôn
Đến Tri Tôn (An Giang) bạn không chỉ được check-in nhiều điểm du lịch nổi tiếng mà còn được khám phá thêm nhiều món ngon miền Nam, đặc biệt nhất có lẽ là món gà đốt. Để ướp gà, ngoài những gia vị quen thuộc như sả, ớt, tỏi, muối,...thì lá chúc chính là gia vị làm nên nét riêng cho món ăn này. Thịt gà ta dai giòn, ngon ngọt, thơm lừng của mùi lá chúc đã khiến không ít người vấn vương, lưu luyến.
Đu đủ đâm Tri Tôn
Về An Giang, bạn cũng đừng quên thưởng thức món đu đủ đâm - món ngon miền Nam của đồng bào Khmer. Đu đủ đâm vốn được biến tấu từ gỏi đu đủ của người Campuchia. Ngoài thành phần đu đủ thì món ăn này còn có ba khía, đậu đũa, rau muống, cà chua, hành củ, rau thơm cùng các gia vị như ruốc, đường, đậu phộng. Sở dĩ món ăn có tên gọi là đu đủ đâm bởi các nguyên liệu trước khi chế biến đều được đâm nhẹ trong cối. Với cách chế biến độc đáo, hương vị lạ miệng, món ăn dân dã này cũng đã để lại ấn tượng khó quên cho nhiều du khách.
L.T (t/h)