Ảnh minh hoạ
Vừa qua, một số người dân tỉnh Nghệ An phản ánh, hiện nay tình trạng thu phí xuất khẩu lao động của các đơn vị đều cao hơn so với quy định của Nhà nước, ví dụ như mức thu đi lao động Hàn Quốc quy định chỉ có 7.000 USD nhưng các doanh nghiệp đều thu 10.000 USD, thậm chí có trường hợp nhiều hơn. Qua đó, đề nghị Bộ LĐ - TB&XH tăng cường quản lý các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đưa người đi lao động ở nước ngoài, bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Về vấn đề này, Bộ LĐ- TB&XH cho biết: Hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, được tổ chức thực hiện theo quy định tại “Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Trong thời gian qua, hoạt động này đã đạt được những kết quả nhất định: Số lượng lao động đưa đi tăng dần theo hàng năm; chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài không ngừng được nâng cao; hoạt động của doanh nghiệp dần đi vào nề nếp…
Bộ LĐ- TB&XH cũng đã thường xuyên chỉ đạo và yêu cầu các doanh nghiệp trong việc tổ chức quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài, phối hợp với đối tác và các cơ quan tổ chức có liên quan giải quyết các vấn đề phát sinh đối với người lao động ở nước ngoài, cũng như báo cáo và đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài quản lý và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Trong 10 năm thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ LĐ- TB&XH với chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực này đã thực hiện việc cấp phép cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; thẩm định và chỉ chấp thuận cho phép thực hiện đối với các hợp đồng của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường tiếp nhận nước ngoài, bảo đảm quyền lợi, chế độ của người lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước tiếp nhận.
Để công khai, minh bạch thông tin đến với người lao động cả nước, Bộ LĐ- TB&XH đã ban hành các quy định cụ thể về mức chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài (phí môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ). Thông tin cụ thể về chi phí để đi làm việc theo các hợp đồng được Bộ thẩm định cũng đã được đăng tải và cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ (www.dolab.gov.vn).
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp nhằm phát hiện các sai phạm, chấn chỉnh hoạt động chưa đúng với quy định của pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đặc biệt là các sai phạm của doanh nghiệp về việc thu phí đối với người lao động vượt quá mức quy định.
Từ năm 2016 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thu phí, tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi xuất cảnh với gần 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực, thu hồi giấy phép của 6 doanh nghiệp và đình chỉ hoạt động của 5 doanh nghiệp, xử phạt 31 doanh nghiệp. Tổng số tiền phạt từ năm 2016 đến hết năm 2017 gần 4 tỷ đồng.
Thanh Bình