"Nhập nhèm" giữa Spa và phòng khám chuyên khoa
Trên nhiều tuyến phố, mạng internet, tờ rơi quảng cáo..., xuất hiện vô số biển quảng cáo, thông tin về các cơ sở dịch vụ làm đẹp. Trong số đó có những thẩm mỹ viện (TMV) chỉ có chức năng chăm sóc da, tóc, trang điểm, làm đẹp da… cũng "lấn sân" sang lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ. Chính sự nhập nhèm giữa phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ và cơ sở chăm sóc sắc đẹp đã tạo điều kiện cho những ca phẫu thuật "chui" và các cơ sở chăm sóc sắc đẹp tìm cách lách luật, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Theo quy định, các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ - do Sở Y tế cấp phép, đồng thời quản lý trực tiếp, còn các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, bao gồm: Các TMV, spa, cơ sở chăm sóc da, cơ sở massage..., do UBND các quận, huyện cấp phép kinh doanh và quản lý.
Chính sự nhập nhèm giữa phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ và cơ sở chăm sóc sắc đẹp đã tạo điều kiện cho những ca phẫu thuật "chui" và các cơ sở chăm sóc sắc đẹp tìm cách lách luật, gây ra những hậu quả nghiêm trọng...
Theo đó, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được làm các tiểu phẫu như: Cắt mí mắt, nâng mũi, làm cằm chẻ, làm lúm đồng tiền..., không được làm các phẫu thuật lớn như căng da mặt, hút mỡ, nâng ngực…
Ngoài ra, đối với hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ có gây mê đều bắt buộc phải làm ở bệnh viện. Và ngay cả phẫu thuật thẩm mỹ ở bệnh viện cũng chỉ được làm những kỹ thuật trong danh mục được Sở Y tế thẩm định, cho phép. Còn những cơ sở làm đẹp chỉ được phép làm các dịch vụ ngoài da, không được thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật xâm lấn, gây chảy máu như: xăm mắt, xăm lông mày, xăm môi.
Quy định là vậy, nhưng trên thực tế các cơ sở làm đẹp hầu hết đều gắn biển hiệu TMV để đánh lừa khách hàng. Thậm chí, các cơ sở này còn công khai quảng cáo trên các website, mạng xã hội về những phương pháp phẫu thuật làm đẹp hiện đại, công nghệ tiên tiến trên thế giới…
Không chỉ hoạt động “vượt” phép, các cơ sở thẩm mỹ còn ngang nhiên thực hiện các hoạt động dịch vụ chưa được Bộ Y tế cấp phép, cho hoạt động, như truyền trắng, tiêm filler… mà không cần quan tâm tới hệ lụy hay vi phạm.
Việc các cơ sở làm đẹp đăng ký với tên gọi TMV dễ làm người dân hiểu lầm rằng, đây là cơ sở có thể thực hiện các phẫu thuật làm đẹp. Chính vì đặt niềm tin nhầm chỗ, nên không ít chị em đã phải trả giá đắt và trở thành những nạn nhân của những ca phẫu thuật xẻ mí, hút mỡ, nâng ngực, xăm mắt… không thành công.
Theo tìm hiểu, hầu hết các cơ sở này đều không giới thiệu trên bảng hiệu, nhưng khi tiếp cận, thì hàng chục cơ sở thẩm mỹ tại Hà Nội đều nhận làm tất cả các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ. Sau đó thuê phòng mổ tại các bệnh viện và đưa bệnh nhân đến tự phẫu thuật. Chiêu thức này không những làm đau đầu cơ quan quản lý, mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân, vì không ai kiểm soát được trình độ chuyên môn của bác sĩ lẫn quy trình thực hiện có đảm bảo an toàn hay không.
Công tác quản lý còn nhiều bất cập?
Những năm gần đây, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các đơn vị đã được cấp phép. Qua tìm hiểu, việc cấp phép hoạt động cho các cơ sở khám chữa bệnh theo cấp quản lý rất chặt chẽ.
Cụ thể, để cấp phép cho hoạt động của bệnh viện thì thẩm quyền thuộc về Bộ Y tế; cấp phép cho các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa và cơ sở nhỏ thẩm quyền thuộc về sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Công tác quản lý, giám sát các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ vẫn còn nhiều bất cập (Ảnh minh họa)
Theo đó, nội dung giấy phép phải thể hiện rất rõ, phạm vi chuyên môn hoạt động của phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ (các cơ sở làm dịch vụ thẩm mỹ/ thẩm mỹ viện) chỉ được phép làm các dịch vụ, như: Tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da ở vùng mặt, vùng cổ; tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai. Trên giấy phép còn thể hiện, đơn vị được cấp phép “không được phẫu thuật tạo hình như: Nâng ngực; nâng vú; thu nhỏ quầng vú, núm vú; thu gọn thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; lấy mỡ cơ thể”.
Việc các Spa chăm sóc sắc da đơn thuần chỉ cần có giấy phép kinh doanh do UBND quận cấp và chỉ cần giấy thông báo đăng ký hoạt động cơ sở thẩm mỹ với Sở Y tế là có thể hoạt động. Còn phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ thì do Sở Y tế cấp phép. Chính vì vậy, đây là một phần nguyên nhân dẫn tới việc các thẩm mỹ viện thực hiện các dịch vụ “chui”, việc đăng kí hoạt động Spa quá đơn giản và giảm chi phí đầu tư cho các cơ sở thẩm mỹ, nên nhiều TMV vẫn bât chấp để… vi phạm.
Về nguyên tắc, cơ quan nào cấp phép thì phải quản lý, chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc quản lý các cơ sở làm đẹp trên thực tế lại chưa có sự phân định rõ ràng.
Cụ thể, giấy đăng ký kinh doanh có thể coi như giấy khai sinh, thông báo, đăng ký về hoạt động kinh doanh. Đây cũng là lĩnh vực đòi hỏi về mặt chuyên môn nên những cơ sở giải phẫu thẩm mỹ dù đã đăng ký kinh doanh nhưng chỉ được phép kinh doanh khi có giấy phép đủ điều kiện hành nghề do Sở Y tế cấp.
Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện là đơn vị cấp phép, nhưng theo các cơ quan này thì công tác hậu kiểm lại gặp rất nhiều khó khăn, do dịch vụ thẩm mỹ là loại hình kinh doanh có điều kiện, mang tính đặc thù. Nên, nếu có kiểm tra thì cũng chỉ dừng lại ở việc: Cơ sở ấy có kinh doanh theo như đăng ký hay không? Còn danh mục kinh doanh, lĩnh vực hoạt động của cơ sở mang tính chuyên môn thì cấp quận, huyện lại không đủ năng lực, không có thẩm quyền kiểm tra.
Thêm nữa, trên chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh chỉ ghi ngắn gọn, vắn tắt, mang tính bao hàm nội dung hoạt động, kinh doanh nên UBND quận, huyện cũng căn cứ vào đó để ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn thực hư chi tiết danh mục những nội dung hoạt động là gì, thì họ lại không thể biết cụ thể.
Ngược lại, ngành Y tế cấp Sở lại cho rằng, việc quản lý này thuộc về UBND các quận, huyện vì các đơn vị này cấp phép thì phải quản lý. còn cấp Sở chỉ quản lý chuyên môn các cơ sở thẩm mỹ là phòng khám chuyên khoa hoạt động có xâm lấn. Do việc phân cấp quản lý không rõ ràng này đã tạo ra nhiều “lỗ hổng” để các cơ sở thẩm mỹ hoạt động “chui”, nhưng vẫn công khai.
Lệ Nguyễn