Việt Nam
Nhắc đến ngày Tết chúng ta luôn nhớ về những chiếc bánh chưng, ngày Tết đến trên bàn thờ của mỗi gia đình người Việt đều không thể thiếu bánh chưng.
Sự ra đời của bánh chưng gắn liền với truyền thuyết về hoàng tử Lang Liêu vào đời Hùng Vương thứ 6. Bánh chưng có hình vuông tượng trưng cho mặt đất - một trong 2 lễ vật mà hoàng tử Lang Liêu dành để cúng tiến tiên vương, thể hiện đạo hiếu với thế hệ trước và sự biết ơn đất trời.
Nhiều đời nay, bánh chưng được coi là “linh hồn” của Tết Nguyên đán, thể hiện sự cầu chúc cho năm mới no đủ, may mắn và nhiều điều tốt đẹp. Nếu bánh chưng là đặc trưng ẩm thực ngày Tết miền Bắc Việt Nam, thì bánh tét (gói hình trụ, cắt lát ra thành những khoanh tròn), có nguyên liệu gần giống bánh chưng, chỉ khác ở chỗ được bọc bằng lá chuối là món bánh tiêu biểu cho ngày Tết trong miền Trung, miền Nam Việt Nam.
Món Lạp (Lào)
Tết của Lào thường diễn ra muộn hơn, vào khoảng giữa tháng Tư dương lịch. Món ăn tết đặc trưng của người Lào là món lạp
Lạp có nghĩa là may mắn, phúc lộc dồi dào. Lạp có thể làm bằng thịt heo, gà, bò, chim hay cá… băm nhỏ trộn chung với các loại rau thơm, ớt cay thái nhỏ (loại gia vị truyền thống), nước cốt chanh và không thể thiếu thính nếp rang vàng. Người Lào thường dùng lạp kèm với xôi hoặc cơm nóng. Món này được làm rất cẩn thận, vì nếu không ngon, người ta tin rằng cả năm sẽ gặp điều không may. Người Lào thường tặng nhau món Lạp thay lời chúc may mắn đầu năm
Canh bánh gạo (Hàn Quốc)
Bánh gạo được dùng để nấu canh là loại bánh gạo dạng thỏi garaetteok, được thái vát chéo. Bánh gạo được làm thành dạng thỏi dài với ý nghĩa cầu mong trường thọ. Bánh gạo được thái vát giống với hình dạng đồng tiền xu cũ của Hàn Quốc, điều đó tượng tương cho sự giàu có và dồi dào về mặt tài chính.
Theo truyền thống, người Hàn Quốc sẽ ăn canh bánh gạo TTeokguk vào buổi sáng ngày mùng 1 với ý nghĩa đánh một dấu mốc sang tuổi mới. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi được quây quần cùng gia đình trong dịp đầu năm mới.
Sủi cảo (Trung Quốc)
Sủi cảo (còn gọi là bánh chẻo) được coi là một phần trong nền văn hóa của Trung Quốc. Cả gia đình cùng ăn món ăn truyền thống tượng trưng cho sự đoàn tụ, mời khách ăn là tỏ ra quý trọng và nhiệt tình.
Nhân sủi cảo có loại có thịt, có loại chỉ có rau, nhưng thường là thịt và rau trộn lẫn với nhau. Trong quá trình làm nhân, cầu kỳ nhất là băm thịt và rau. Khi băm nhân, dao và thớt chạm vào nhau phát ra tiếng rất rắn chắc, bởi vì luôn thay đổi dao to nhỏ khác nhau, khiến tiếng băm tiết tấu thay đổi lúc mạnh lúc nhẹ theo nhịp điệu, như một bản nhạc trầm bổng, truyền sang hàng xóm. Mọi người đều muốn tiếng băm của nhà mình vang vọng nhất, kéo dài nhất.
Philippines
Năm 2012, Tết Âm lịch mới trở thành ngày lễ lớn chính thức của Philippines. Trong ngày Tết, món ăn không thể thiếu của người Philippines là bánh Tikoy. Bánh được làm từ gạo nếp trộn mỡ lợn, đường, nước, nhúng vào trứng gà rồi chiên. Người Philippines tin rằng: Ăn bánh Tikoy vào ngày đầu năm giúp những người thân trong gia đình thêm gắn bó, đoàn kết và luôn bên nhau.
Campuchia
Người dân Campuchia có thói quen ăn gạo tẻ và ăn nhiều cá hơn thịt, do vậy thường ăn kèm với món Cari. Vào các ngày lễ tết, nông thôn cũng như thành thị đều có gói bánh tét, bánh ít.
Singapore
Người Singapore rất coi trọng việc vui đón Tết Nguyên đán cổ truyền. Diễn ra cùng thời điểm với Tết của người Việt Nam, những ngày Tết ở Singapore thường diễn ra lễ hội mùa xuân với ba sự kiện nổi bật: lễ hội hoa đăng, lễ hội Singapore River Hongbao và lễ hội đường phố Chingay cùng nhiều hoạt động khác.
Về mặt ẩm thực, khi nhắc đến món ăn mang ý nghĩa may mắn trong dịp đầu năm mới của Singapore thì chúng ta không thể nói đến món Yu Sheng – gỏi cá thịnh vượng. Người Singapore (đặc biệt là giới kinh doanh và thương nhân) rất yêu thích thưởng thức món ăn này trong mỗi dịp năm mới (đặc biệt là ngày thứ 7 của tháng Giêng), bởi đây là món ăn biểu tượng cho thành đạt, an khang và thịnh vượng.
Hằng Vương (t/h)