Không đồng ý và cho rằng, nguồn gốc đất là đất khai hoang, đã được gia đình cải tạo, canh tác, sinh sống ổn định gần 40 năm và dự án này không phải vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, bà Nguyễn Thị Mơi và các thành viên trong gia đình đã gửi đơn thư cầu cứu, khiếu nại tới Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh Hoà Bình...

Tiếp Vụ thu hồi đất tại huyện Lương Sơn: DA

Huyện Lương Sơn khẳng định nguồn gốc đất là của nông trường

Để làm rõ các nội dung liên quan đến vụ việc, ngày 2/8/2017, PV đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND, các cơ quan chức năng huyện Lương Sơn và đại diện đơn vị có liên quan. Tại buổi làm việc và qua các tài liệu do huyện Lương Sơn cung cấp, UBND huyện khẳng định, nguồn gốc đất của các hộ gia đình nhà bà Nguyễn Thị Mơi là đất của DN (Nông trường Cửu Long, nay là Công ty TNHH MTV Cửu Long). 

Cụ thể, trước năm 1978, khu đất của các hộ dân là khu đồng cỏ, chuyên chăn thả trâu bò (khu có cỏ để chăn thả trâu bò – PV) thuộc Nông trường Xuân Mai quản lý; đến năm 1978, sáp nhập về Nông trường Cửu Long... Năm 1988 – 1989, xoá bỏ cơ chế bao cấp, Nông trường Cửu Long thực hiện khoán 10 cho các hộ công nhân, hợp đồng lao động trong toàn nông trường.

Thực hiện theo nội dung Nghị định 01/NĐ-CP ngày 4/1/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao khoán đất vào mục đích sản xuất nông lâm nghiệp, đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản trong các nông lâm trường, năm 2001, Nông trường Cửu Long triển khai đo đạc (đo thủ công bằng thước dây) đưa toàn bộ quỹ đất, kể cả đất bờ lô, bìa chéo đưa vào giao khoán trồng cây ăn quả, chè tự trồng (vốn của hộ dân đầu tư) đất chè kinh doanh (nông trường đầu tư). Trong đó, có gia đình bà Mơi, chồng là ông Đỗ Danh Bàn (đã mất) đứng tên trên Hợp đồng giao khoán số 57 HĐK/CT ngày 9/11/2001.

Năm 2008, ông Đỗ Danh Bàn (chồng bà Mơi) đã làm đơn xin trả lại một phần diện tích đất nhận khoán để tách cho 2 con là anh Đỗ Danh Bình và chị Đỗ Thị Sinh và các hộ dân này vẫn nhận khoán từ đó đến nay.

Nói về việc sáp nhập Nông trường Xuân Mai và việc gia đình bà Mơi đã xây dựng căn nhà kiên cố từ năm 2000, ông Nguyễn Ngọc Hải, nguyên Giám đốc Nông trường Cửu Long cho biết: Thời kỳ đó, công nghệ, kỹ thuật còn hạn chế nên khi bàn giao là bàn giao cả một vùng đất, không có bản đồ trong quá trình bàn giao.

Trước đây, nhà bà Mơi có một mảnh đất khác (2.680 m2) nằm đối diện mảnh đất hiện tại, thuộc khu đất nông trường bố trí cho cán bộ, công nhân viên ở. Đến năm 2000, nhà bà Mơi đã bán đi mảnh đất này, sau đó mới chuyển sang mảnh đất hiện tại làm nhà và sinh sống... Khu đất này, thuộc khu đồng cỏ tự nhiên để chăn thả trâu bò. Năm 1989, khi không chăn nuôi bò nữa, nông trường đã chuyển sang chồng chè, lúc đó mới phân thành 3 khu (đồng cỏ, đồi lau và đồi võng). Hiện đất nhà bà Mơi thuộc khu đồi lau.

Ông Nguyễn Vũ Chi, Chủ tịch UBND huyện khẳng đinh: Việc xây dựng nhà của gia đình bà Mơi tại thời điểm đó là trái phép, lỗi ở đây là do nông trường đã buông lỏng quản lý, vị trí đó chỉ được xây dựng lán trại để bảo vệ sản xuất, cất giữ dụng cụ, vật tư sản xuất... Đáng lẽ, khi phát hiện sai phạm, phải xử lý, cưỡng chế ngay, không cho xây dựng nhà kiên cố, chỉ cho phép xây dựng lán trại theo quy định.

Ông Nguyễn Ngọc Hải cho biết thêm, thời điểm đó, đã có biên bản xử lý vi phạm, nhưng Nông trường Cửu Long không có thẩm quyền cưỡng chế. Do thời gian đã lâu, nông trường đã trải qua nhiều lần chuyển đổi, chuyển giao qua nhiều thời kỳ lãnh đạo... đẫn đến không tránh khỏi việc thất thoát tài liệu, vì thế, biên bản xử lý vi phạm tại thời điểm đó, nông trường không còn lưu trữ được.

Dự án xuất hiện tới 2 lần trong danh mục cần thu hồi đất?

Như đã thông tin, người dân cho rằng, đất của gia đình bà Mơi, dù có là đất của nông trường, theo sổ khoán với thời hạn 30 năm (tính từ năm 2008), thì thời hạn được quyền sử dụng vẫn còn rất nhiều năm (trên 20 năm). Dự án không vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng nên khi nhà đầu tư muốn thực hiện dự án, phải tiến hành đền bù, bồi thường theo phương thức thỏa thuận đối với gia đình bà Mơi.

UBND huyện Lường Sơn cho biết, việc thu hồi đất của gia đình bà Mơi được căn cứ theo Nghị quyết số 127/NQ-HĐND ngày 3/12/2015 của HĐND tỉnh về việc thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng trên địa bàn tỉnh năm 2016, Quyết định số 541/QĐ-UBND ngày 8/3/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, Quyết định số 87/QĐ/UBND ngày 22/12/2016 của UBND tỉnh về việc đồng ý chủ trương đầu tư thực hiện dự án.

Tuy nhiên, Dự án nhà máy sản xuất cơ kim khí của Công ty TNHH Cơ kim khí Việt Mỹ Hoà Bình chỉ là dự án kinh doanh thuần tuý của doanh nghiệp, không phải dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định tại Điều 62, Luật Đất đai năm 2013.

Do đó, dư luận cho rằng, việc trình dự án này để HĐND thông qua tại danh mục các dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng trên địa bàn tỉnh Hoà Bình năm 2016, đang có nguy cơ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà Nguyễn Thị Mơi.

Không chỉ vậy, từ tài liệu do HĐND tỉnh cung cấp cho PV, trong danh mục các dự án cần thu hồi đất đã được UBND tỉnh Hoà Bình trình HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 127/NQ-HĐND ngày 3/12/2015, Dự án nhà máy sản xuất cơ kim khí lại “đặc biệt” được xuất hiện tới 2 lần trong danh sách với diện tích thu hồi đất dự kiến đều là 1,5 ha (?!).

Căn cứ pháp lý để đưa dự án này xuất hiện tới 2 lần trong danh mục, được dựa theo 2 văn bản khác nhau: Văn bản số 831/STNMT-QLĐĐ, ngày 20/7/2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường và Công văn số 3337/VPUBND-NNTN ngày 10/7/2015 của Văn phòng UBND tỉnh về việc Chi nhánh Công ty CP Cơ kim khí Việt Mỹ tại tỉnh Hoà Bình xin thuê đất. 

Tiếp Vụ thu hồi đất tại huyện Lương Sơn: DA

Tiếp Vụ thu hồi đất tại huyện Lương Sơn: DA

Dự án được “đặc biệt” xuất hiện 2 lần tại danh mục các dự án cần thu hồi đất trong Nghị quyết của HĐND tỉnh?

Tại Thông báo thu hồi đất số 130/TB-UBND ngày 30/12/2016, UBND huyện Lương Sơn đã căn cứ vào Điểm d, Khoản 3, Điều 62 của Luật Đất đai năm 2013 để thực hiện thu hồi đất.

Trong khi đó, Điểm d, Khoản 3, Điều 62 của Luật Đất đai quy định việc thực hiện các dự án do HĐND cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất, bao gồm: Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Không hiểu, nhà máy sản xuất cơ kim khí này thuộc về loại dự án nào trong các loại dự án nêu trên?

Trao đổi với PV, ông Trần Đức Thắng, PGĐ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình cho biết: Đây là đất của Nông trường Cửu Long, nông trường đã có chủ trương và quyết định giải thể, khi giải thể thì Nhà nước sẽ thu hồi đất của nông trường theo quy định. Vì vậy, việc thu hồi đất của gia đình bà Mơi, được căn cứ theo Điều 65 của Luật Đất đai 2013 (trường hợp thu hồi đất do cơ quan nhà nước chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật). Phải chăng, ở đây, đã có sự không đồng nhất trong trích dẫn về căn cứ thu hồi đất?

Ngày 25/7/2017, làm việc với PV, đại diện HĐND tỉnh Hòa Bình cũng nhận định: Việc trích dẫn Điểm d, Khoản 3, Điều 62 -Luật Đất đai năm 2013 để thực hiện thông báo thu hồi đất cho dự án này là không chính xác.

Hiện tại, về mặt pháp lý, đất của gia đình bà Mơi thuộc quỹ đất của tổ chức… Đất của tổ chức, theo quy định, thẩm quyền thu hồi đất do UBND tỉnh quyết định.

Trao đổi về nội dung của Nghị quyết số 127/NQ-HĐND ngày 3/12/2015 của HĐND tỉnh, đại diện HĐND tỉnh cho biết:

Đây là nghị quyết cá biệt của HĐND, tại nghị quyết này, Dự án nhà máy sản xuất cơ kim khí của Công ty Cơ kim khí Việt Mỹ Hòa Bình đã được thông qua việc đăng ký thực hiện dự án theo diện xin thuê đất trên quỹ đất của tổ chức (Công ty TNHH MTV Cửu Long), không cụ thể là tại diện tích đất của các hộ dân trong gia đình bà Mơi. Vị trí dự án, dự kiến được đặt trong khu vực có phạm vi lớn là Đội 6, thôn Tân Sơn, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn...

Dự án được nghị quyết thông qua việc xin thuê đất tại khu vực Đội 6 là nhằm định hướng, tạo cơ sở để thu hút đầu tư. Song việc dự án có thuê được đất hay không, thuê được ở vị trí nào có liên quan rất lớn tới khâu tổ chức thực hiện - khâu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với diện tích đất của Nông trường Cửu Long, sau khi được UBND tỉnh thu hồi, giao UBND huyện Lương Sơn quản lý.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện HĐND tỉnh cho biết, sau khi ban hành nghị quyết, HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả thực hiện trước HĐND tỉnh.

Hàng năm, thường trực HĐND tỉnh đều giao các ban của HĐND tỉnh rà soát các nghị quyết đã ban hành, trong trường hợp phát hiện các nghị quyết đã ban hành không phù hợp với tình hình thực tế, thường trực HĐND tỉnh sẽ yêu cầu UBND tỉnh xem xét, đề xuất và trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung nghị quyết cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và đảm bảo các quy định liên quan của pháp luật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Dương Tú