Văn hóa ẩm thực cung đình Huế không chỉ hiện diện trong quá trình chế biến mà còn thể hiện trong cách trình bày lẫn phục vụ. Từng món ăn được sắp xếp tỉ mỉ, công phu tạo thành bàn tiệc đẳng cấp và toát lên phong vị hoàng gia. Chính cách trình bày này đã thể hiện sự tinh tế của văn hóa cung đình.
Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, có một số yếu tố tạo nên nét đặc trưng riêng biệt cho văn hoá ẩm thực cung đình Huế.
Yếu tố khí hậu: Khí hậu tại Huế là khí hậu nhiệt đới ẩm với 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Sự khô cằn của đất là điều kiện thuận lợi để trồng trọt nên các loại nguyên liệu đa dạng. Nhờ vậy, vị tươi ngon từ nguyên liệu chính là điều cơ bản tạo nên những món ăn đặc trưng khó quên.
Văn hóa: Do ảnh hưởng của nền văn hoá lúa nước, tại Huế có rất nhiều món ăn ngon được làm từ gạo như xôi, bún, bánh xèo… Bên cạnh đó, quan niệm sống và tín ngưỡng của địa phương cũng góp phần duy trì, phát triển nền ẩm thực Huế. Mỗi món ăn đều mang một câu chuyện và ý nghĩa nhân văn riêng biệt, độc đáo.
Yếu tố lịch sử: Huế từng là nơi sinh sống của người Chăm Pa xưa. Sau đó, chúa Nguyễn đã lựa chọn Huế là kinh đô của nước Việt. Những yếu tố này là đòn bẩy hình thành nên những món ăn đặc trưng xứ Huế, nổi bật nhất là ẩm thực cung đình Huế.
Yếu tố con người: Dưới ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, đặc biệt là tư tưởng “tam tòng và tứ đức” đã tạo nên tiêu chuẩn đánh giá phụ nữ Việt Nam xưa. Tiêu chí được đánh giá quan trọng nhất chính là kỹ năng nấu ăn. Mỗi người phụ nữ đều cố gắng không ngừng để đạt được tiêu chuẩn này. Chính vì vậy, người Huế khi nấu ăn đều đặt hết tâm trí và trái tim vào món ăn.
Một số món ăn nổi bật trong ẩm thực cung đình Huế
Nem công chả phượng – tinh hoa bài trí món ăn
Nem công là món ăn đặc trưng và độc đáo bởi nó được chế biến mà không cần nấu nướng. Món ăn này bao gồm phần thịt đùi của con công đã được giã thật mịn sau đó làm chín bằng cách để lên men nhờ các loại gia vị nóng như tiêu, tỏi, riềng… Đây là món ăn rất tốt cho cơ thể, giúp loại bỏ độc tố vì trong thịt công có tính giải độc.
Món chả phượng được làm từ thịt phượng – loài chim quý hiếm sống trên núi cao. Thịt phượng được giã mịn sau đó thêm các gia vị và gói vào lá chuối. Chả phượng được đem đi hấp chín và là món ăn đặc trưng trong ẩm thực cung đình Huế.
Yến sào
Từ xưa đến nay, yến là nguyên liệu quý hiếm và cao cấp. Thời xưa, yến được dùng để dâng tiến lên vua trong những bữa tiệc cung đình long trọng. Có thể chế biến rất nhiều món ăn ngon từ yến như yến sào, yến hầm thịt bồ câu, chè yến…
Cơm sen – món cơm cung đình Huế đặc sắc
Cơm sen là món ăn dành cho vua chúa nhà Nguyễn thế kỷ 18. Đến nay, món ăn này ngày càng phổ biến và được dùng để phục vụ trong các đám cưới hỏi hay bữa tiệc sinh nhật. Ngoài hương vị thơm ngon, món cơm sen được trang trí vô cùng đẹp mắt, mô phỏng theo hình dáng một bông sen đang nở. Cơm được nấu từ gạo thơm làng An Cựu thêm trứng rán, giò lụa, tôm, gà, rau… Tất cả được gói gọn và hoà quyện trong lá sen cùng hương thơm dịu mát của hoa sen.
Trà cung đình Huế
Trà cung đình Huế là thức uống được phục vụ trong cung đình triều Nguyễn. Với hương vị thơm ngon của các loại thảo dược quý hiếm, mọi người sử dụng loại trà này để nâng cao sức khoẻ. Loại trà này vừa ngon lại phù hợp với mọi lứa tuổi nên rất thích hợp mua về làm quà lưu niệm.
Chè hạt sen long nhãn
Món chè hạt sen long nhãn là một trong những món chè cung đình Huế tinh tế nhất. Chỉ với 3 nguyên liệu đơn giản là long nhãn, hạt sen, đường cát. Nếu muốn nấu món chè hạt sen long nhãn ngon, cần chọn được loại hạt sen đặc trưng xứ Huế có đủ vị béo, bùi, ngọt. Long nhãn cần chọn loại hạt nhỏ nhưng thịt ngọt, giòn.
Hạt sen lồng trong long nhãn cần bắt mắt như ngọc mới đạt tiêu chuẩn dâng lên vua. Du khách ngày nay đến Huế cũng có thể thưởng thức món ăn này tại bất kỳ nhà hàng nào, từ vỉa hè cho đến những nhà hàng sang trọng.
Ẩm thực cung đình Huế không chỉ thơm ngon khó cưỡng mà đó còn là nơi lưu giữ những nét đẹp lịch sử, văn hoá và phong tục tập quán của người dân xứ Huế. Chính vì thế mà ẩm thực cũng như phong cảnh thiên nhiên Huế luôn đem đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời và không thể nào quên vùng đất “sông Hương núi Ngự”.
L.T (t/h)